(HNMO) - Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 cấm hoàn toàn việc điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu và hơi thở có nồng độ cồn.
Với chế tài xử phạt nghiêm khắc theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nhiều người băn khoăn và đặt câu hỏi: Sau khi uống rượu, bia bao lâu thì nồng độ cồn không còn trong máu?
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, đây là câu hỏi rất khó trả lời chính xác. Vì thời gian từ lúc uống rượu đến khi kiểm tra để ra được xét nghiệm âm tính phụ thuộc rất nhiều yếu tố, như: Số lượng, chủng loại, nồng độ rượu, sức khỏe, "tửu lượng" của từng người, uống càng nhiều thì nồng độ càng cao...
"Chúng ta phải cẩn thận, vì có những người uống rượu tối hôm trước mà hôm sau vẫn còn dương tính trong máu và hơi thở. Cách tốt nhất là hạn chế tối đa số lần uống rượu và lượng rượu. Chúng ta uống để bảo đảm an toàn cho bản thân và mọi người", bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.
Còn về băn khoăn của người dân về việc một số loại thức ăn, một số loại quả lên men, dung dịch y tế như: Socola, thuốc siro cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng hoặc họng... cũng có thể có ethanol và hơi thở cũng có nồng độ cồn, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, nếu ăn phải những đồ ăn, thức uống có ethanol thì ít nhất sau 15-30 phút mới có thể hết nồng độ cồn.
Tuy nhiên, người dân hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề trên, vì lực lượng cảnh sát giao thông có quy trình làm xét nghiệm sàng lọc ban đầu, để xác định chính xác người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia hay các loại thức ăn, quả lên men, dung dịch y tế... Nếu cần, lực lượng chức năng có thể xét nghiệm lần hai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.