Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau cơn mưa, trời lại sáng!

Thùy Dương| 24/06/2014 06:28

(HNM) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa có chuyến thăm bất ngờ tới Ai Cập. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Washington tới Cairo kể từ khi Tổng thống Abdul Fattah Al-Sisi nhậm chức hồi đầu tháng 6 vừa qua.


Chặng dừng chân chỉ có 4 giờ đồng hồ nhưng ông J.Kerry đã có một chương trình nghị sự dày đặc khi gặp gỡ với người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukri, hội đàm với Tổng thống Al-Sisi về các thách thức an ninh tại Ai Cập cùng các mối đe dọa khủng bố và các hoạt động cực đoan tại Bắc Phi - Trung Đông hiện nay mà Ai Cập như một "cánh cửa" của khu vực.

Ngoại trưởng John Kerry (trái) và người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukri tại Cairo ngày 22-6.



Kể từ năm 1979, Ai Cập luôn là đồng minh lớn nhất của Mỹ tại cửa ngõ Bắc Phi. Tuy nhiên, mối quan hệ này lâm vào khó khăn từ khi quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi hồi tháng 7-2013. Thực tế, những diễn biến dồn dập kể từ sau "Mùa xuân Arab" lật đổ chế độ Hosni Mubarak năm 2011 đã khiến Mỹ lúng túng trong xử lý mối quan hệ với Ai Cập. Lúc này chính quyền Obama bắt đầu công khai hậu thuẫn tiến trình dân chủ ở khu vực, qua việc ủng hộ "Cách mạng hoa nhài" ở Tunisia, hối thúc cựu lãnh đạo Ai Cập Mubarak từ bỏ quyền lực, hay hỗ trợ quân sự cho phe đối lập ở Libya... Song, những gì "Mùa xuân Arab" đem lại đến nay chỉ là sự hỗn loạn bao trùm khu vực. Sự khó xử của Mỹ đối với các vấn đề của đất nước Kim tự tháp càng thể hiện rõ sau khi quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống dân bầu hợp pháp M.Morsi năm ngoái. Thế nhưng, trước sức ép ngay trong nội bộ chính quyền Mỹ, Tổng thống Barack Obama không thể làm ngơ trước tình trạng bạo lực ở Ai Cập. Các nhà hoạch định chính sách của Nhà trắng rơi vào tình thế khó khăn khi bị chia rẽ giữa lợi ích chiến lược và lý tưởng của nước Mỹ. Tổng thống B.Obama buộc phải quyết định tạm ngừng các khoản viện trợ cho Ai Cập, gồm cả việc chuyển giao các loại vũ khí trong đó có máy bay lên thẳng vũ trang Apache, máy bay chiến đấu F-16, xe tăng M1A1 Abrams và tên lửa Harpoon cùng khoản tiền hỗ trợ tài chính khoảng 260 triệu USD cho Ai Cập. Mặc dù các khoản viện trợ lĩnh vực y tế, giáo dục, chống khủng bố và bảo đảm an ninh biên giới vẫn sẽ được duy trì, song Chính phủ Ai Cập chỉ trích quyết định của Mỹ là sai lầm và không đúng thời điểm khi quốc gia Bắc Phi đang phải đối mặt thách thức khủng bố. Điều đó dẫn tới quan hệ hai nước không tránh khỏi sứt mẻ; đồng thời tạo khoảng trống để một số quốc gia muốn "thế chân" Mỹ nhằm làm thay đổi cán cân quyền lực tại cửa ngõ Bắc Phi - Trung Ðông.

Thế nên, không khó để nhận thấy, chuyến thăm Ai Cập của Ngoại trưởng J.Kerry không ngoài mục đích làm nóng quan hệ Mỹ với đồng minh tại khu vực địa - chiến lược quan trọng này sau một thời gian căng thẳng kéo dài. Trước chuyến thăm chớp nhoáng của Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry tới Cairo, chính quyền B.Obama đã dỡ bỏ lệnh ngừng viện trợ một phần cho Ai Cập bằng động thái cung cấp 10 trực thăng chiến đấu Apache để quân đội sử dụng chống các tay súng cực đoan ở bán đảo Sinai và 650 triệu USD. Đây là khoản viện trợ nằm trong gói 1,5 tỷ USD, vốn bị đóng băng từ tháng 10-2013 sau khi cựu Tổng thống Morsi bị phế truất.

Dù trải qua không ít thăng trầm nhưng những bước đi mới nhất của Washington cho thấy, Mỹ và Ai Cập vẫn còn rất nhiều lý do để không thể thiếu nhau trên bàn cờ địa - chính trị khu vực cũng như toàn cầu. Nằm ở Bắc Phi, là quốc gia Arab đông dân, có quân đội mạnh, Ai Cập chiếm vị trí địa - chính trị, chiến lược quan trọng trong khu vực để bất kỳ quốc gia nào khi muốn tiến vào Trung Đông không thể bỏ qua vai trò của nước này. Mỹ cần Ai Cập trong việc bảo đảm an ninh ở bán đảo Sinai, khu vực hiểm yếu với Israel. Theo Hiệp ước an ninh giữa Israel và Ai Cập ký năm 1979, Mỹ cung cấp các khoản viện trợ cho Ai Cập hằng năm lên tới 1,5 tỷ USD, trong đó quân đội được nhận khoảng 1,3 tỷ USD, chủ yếu dưới dạng khí tài quân sự và huấn luyện, đào tạo. Gìn giữ quan hệ hòa bình giữa Ai Cập và Israel là chìa khóa cho sự ổn định, cũng như gắn với lợi ích cốt lõi của Mỹ trong khu vực. Một đất nước Ai Cập giữ vai trò xương sống trong các nước Arab hòa bình sẽ duy trì sự ổn định ở khu vực.

Chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry là minh chứng rằng, vượt lên các trở ngại được ví như cảnh "sau cơn mưa, trời lại sáng", Ai Cập vẫn là một đồng minh chiến lược của xứ Cờ hoa. Và Washington cũng tỏ rõ hy vọng tân Tổng thống Ai Cập A.F.Al-Sisi sẽ tạo ra sự khác biệt cho quan hệ đồng minh giữa Washington và Cairo trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau cơn mưa, trời lại sáng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.