Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, trong đó có những trung tâm du lịch lớn của cả nước như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Sa Pa (Lào Cai)…
Nỗ lực khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, thời điểm này, nhiều địa phương đã, đang tổ chức các hoạt động đón khách du lịch trở lại bình thường.
Các điểm du lịch mở cửa trở lại
Cơn bão số 3 đã gây ra những thiệt hại nặng nề tại nhiều tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lào Cai…
Hiện nay, các địa phương đang nỗ lực khắc phục thiệt hại do bão, lũ, dần đưa cuộc sống trở lại bình thường, trong đó có hoạt động du lịch.
Tại tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 13-9, Ban Quản lý vịnh Hạ Long tổ chức đón tiếp, phục vụ khách tham quan tại các điểm đủ điều kiện. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu được vận hành trở lại và đã đón hàng nghìn lượt khách.
Tại tỉnh Lào Cai, nhiều nơi bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều tuyến đường và các đập tràn bị hư hỏng. Dù vậy, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đã nhanh chóng khắc phục cơ sở vật chất, cải tạo các điểm du lịch và cơ sở lưu trú. Ngày 13-9, UBND thị xã Sa Pa quyết định mở lại các điểm du lịch trên địa bàn và yêu cầu các khu, điểm du lịch khi hoạt động phải cam kết bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách. Hiện Khu du lịch Sun World Fansipan Legend đã đón hàng trăm khách đến tham quan và trải nghiệm bản Mây, cột cờ Fansipan. Ngoài ra, các điểm đến khác ở Sa Pa cũng lần lượt mở cửa lại từ ngày 14-9.
Thành phố Hải Phòng cũng tổ chức bán vé cho du khách lưu trú qua đêm trên tàu tại các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà từ ngày 12-9. Những cơ sở lưu trú ít bị tác động do bão đã có thể đón khách, các cơ sở bị ảnh hưởng nặng đang được cải tạo, sửa chữa để sớm khôi phục hoạt động.
Tại Hà Nội, công tác khắc phục ảnh hưởng của mưa bão cũng được thực hiện nhanh chóng, với nhiều điểm du lịch đã hoạt động trở lại bình thường.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết: "Đơn vị đã tổ chức chỉnh trang lại cảnh quan, quét dọn rác, dựng lại cây đổ tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Cổ Loa và đón khách tham quan trải nghiệm".
Các điểm di tích khác như Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám..., lượng du khách tham quan đã đông trở lại. Từ ngày 19 đến 22-9, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội tổ chức Festival Thu sau 1 tuần hoãn do bão lũ. Đây là một trong những sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch trọng điểm của thành phố chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Chủ động phương án ứng phó với dịch bệnh, thiên tai
Mặc dù các địa phương đang cố gắng nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão lũ nhưng hiện nay, vẫn còn nhiều điểm du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Là một trong những địa phương có tiến độ khắc phục hậu quả bão số 3 nhanh chóng, nhưng một số điểm du lịch trọng điểm tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) như: Bảo tàng Quảng Ninh, Cung Quy hoạch và Hội chợ triển lãm tỉnh, khu vui chơi giải trí Sunworld Hạ Long, Khu du lịch Tuần Châu… thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, vẫn đang trong quá trình tu sửa.
Trong khi đó, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc lại đang đối diện với nguy cơ sạt lở, giao thông đình trệ. Tại Hà Nội, nhiều nơi ở khu vực ngoại thành vẫn bị ngập úng, không ít điểm di tích, du lịch bị ảnh hưởng vì mưa ngập trong thời gian qua.
Ở góc độ lữ hành, nhiều đơn vị thông tin, lượng khách hủy tour trong đợt mưa bão vừa qua khá nhiều. Giám đốc Công ty Lữ hành Gió Hà Giang Travel Hoàng Văn Hoàn cho biết, đơn vị liên tục nhận thông báo hủy các tuyến du lịch đi Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La...
Còn Giám đốc Công ty Lữ hành VietSense Travel Nguyễn Văn Tài đánh giá, hiện đang vào mùa khách quốc tế, tuy nhiên do ảnh hưởng của mưa lũ nên lịch trình của du khách phải thay đổi khá nhiều.
Để du lịch có thể nhanh chóng phục hồi sau đợt bão lũ, ông Nguyễn Văn Tài cho rằng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sự chung tay của cộng đồng để hỗ trợ những nơi bị ảnh hưởng nặng có thể nhanh chóng ổn định đời sống người dân; tổ chức dọn dẹp, tu sửa khu, điểm du lịch, bảo đảm an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, các địa phương cần liên tục cập nhật thông tin về hoạt động du lịch, những điểm du lịch đã đủ điều kiện an toàn đón khách.
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu đề nghị, các doanh nghiệp du lịch cần chủ động có phương án ứng phó với những diễn biến bất thường xảy ra như dịch bệnh, thiên tai. Với ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, các doanh nghiệp cần bám sát thông tin của địa phương để có hướng xây dựng sản phẩm, kết nối tour phù hợp, đồng thời tuyên truyền tới du khách những điểm đến an toàn, chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.