(HNM) - Bốn năm thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã mang lại nhiều kết quả tích cực...
Tuy vậy, thực tế cũng đặt ra không ít vấn đề cần xem xét, phân tích thấu đáo như: Tình trạng công việc đổ dồn lên UBND tại các thành phố lớn trong khi lượng cán bộ có hạn; tính thông suốt, hiệu lực và hiệu quả của UBND trong điều kiện không tổ chức HĐND…
Việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã góp phần tinh giản bộ máy hành chính. Ảnh: Bảo Kha |
Bảo đảm quyền và trách nhiệm của nhân dân
Việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường được thực hiện tại 67 huyện, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ (Lào Cai, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh) từ tháng 4-2009 đến nay đã đạt những kết quả tích cực. Thực tế tại các đơn vị thí điểm, quyền đại diện của người dân không bị ảnh hưởng. Với việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách cho các ban của HĐND cấp tỉnh và tổ chức lại tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, đồng thời tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh đã bảo đảm thực hiện quyền dân chủ của người dân trên địa bàn. Ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân còn được bảo đảm thông qua việc nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng, MTTQ và đoàn thể các cấp. Bên cạnh đó, sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước cũng được mở rộng bằng nhiều hình thức như: Tổ chức trao đổi, đối thoại với công dân; gửi kiến nghị, đề xuất đến các cơ quan; tham gia các hoạt động tự quản của thôn, tổ dân phố…HĐND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức các chương trình "Nói và làm", "Lắng nghe và trao đổi" trên hệ thống truyền hình của thành phố nhằm thông tin kịp thời và lắng nghe, tiếp thu kiến nghị của nhân dân. Nhiều phường ở TP Đà Nẵng xây dựng và thực hiện "Bản thông tin dân chủ", chuyên mục "Dân hỏi, cơ quan chức năng trả lời" trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Một số quận, huyện của TP Hải Phòng thành lập tổ điều tra thăm dò dư luận xã hội…
Điểm đáng ghi nhận nữa là những nơi thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã tăng thẩm quyền và trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp trên trong việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, chỉ đạo, điều hành và công tác tổ chức cán bộ. Đặc biệt, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã bước đầu định hình sự khác nhau giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Mọi nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến quy hoạch xây dựng, bảo đảm trật tự công cộng, giao thông, cảnh quan, môi trường trên địa bàn được chuyển giao cho UBND cấp trên, bảo đảm được sự quản lý thống nhất, đồng bộ ở địa bàn đô thị, hạn chế tình trạng chia cắt giữa khu vực nội thành và ngoại thành.
Cần phân tích rõ kết quả
TS Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) cho rằng: "Trong dự thảo báo cáo tổng kết bước 2 thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường của Ban Cán sự Đảng Chính phủ nên thuyết minh rõ lý do không tổ chức HĐND huyện, quận, phường vì hiện vẫn còn ý kiến thắc mắc tại sao không bỏ HĐND xã". Theo ông Dương Quang Tung, có thể thuyết minh theo góc độ, HĐND ở 3 đơn vị hành chính huyện, quận, phường không được quyết định vấn đề gì nên hiệu quả không cao. Ông Tung dẫn chứng, trong thời gian đi khảo sát vấn đề này, một đại biểu HĐND ở huyện Củ Chi bày tỏ ủng hộ cao chủ trương không tổ chức HĐND huyện. Lý do là vị đại biểu này đi tiếp xúc cử tri, nhiều vấn đề cử tri kiến nghị luôn phải trình và chờ theo nghị quyết của HĐND thành phố, cấp huyện không giải quyết được nên bản thân rất ngại với cử tri.
Đồng tình với quan điểm cần giải thích rõ sự cần thiết không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, TS Hà Quang Ngọc, Phó Chánh Văn phòng (Bộ Nội vụ) cho rằng, cần phân tích rõ thêm các yếu tố: Sự thay đổi tình hình kinh tế - xã hội, trình độ dân trí ngày càng cao… nên càng phải đề cao dân chủ trực tiếp, giảm dân chủ đại diện… Ông Lê Trọng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) phân tích thêm: "Tại các TP lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, công việc đổ dồn lên UBND, trong khi lượng cán bộ có hạn. Do đó, nếu áp dụng không tổ chức thực hiện HĐND cần phải sửa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan (Pháp lệnh Dân chủ xã, phường, thị trấn 2007; Luật HĐND, Luật MTTQ…) ở các nội dung: Bố trí nhân sự, tăng cường trách nhiệm giám sát khi không có HĐND, tăng cường đối thoại…". Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất dự thảo báo cáo tổng kết cần thuyết minh rõ hơn về tính thông suốt, nhanh nhạy, hiệu lực, hiệu quả của UBND trong điều kiện không tổ chức HĐND.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện thí điểm đã góp phần làm tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước. Song để bảo đảm dự thảo đề án có sức thuyết phục hơn nữa thì báo cáo trình Bộ Chính trị cần phân tích sâu các mặt được cũng như hạn chế, đồng thời đưa ra các phương án phù hợp, làm căn cứ kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.