Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sát việc, rõ trách nhiệm

Chí Kiên| 14/12/2021 06:08

(HNM) - Với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công 11 tháng năm 2021 mới bằng 63,86% kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (71,22%), hiện các bộ, ngành, địa phương đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp để đạt mức giải ngân cao nhất của năm 2021.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay là nhận diện căn nguyên gây nên tình trạng chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thực tế, có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan làm chậm tiến độ đã được chỉ ra và nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Đó là ảnh hưởng bởi những tồn tại, hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu; thay đổi chính sách và các quy định liên quan; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu… Thời gian gần đây, có thêm lý do tác động của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, vấn đề cần bàn ở đây là cùng một cơ chế, chính sách của Nhà nước, nhưng có đơn vị, địa phương giải ngân đạt cao, trong khi có nơi vẫn “dậm chân tại chỗ”. Do đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn nằm ở khâu thực thi, hay nói cách khác là sự vào cuộc chưa tích cực của một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Chỗ này, chỗ kia vẫn xảy ra tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” trong giải ngân vốn đầu tư công.

Trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực, thúc đẩy đầu tư công có vai trò quan trọng để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16-8-2021 và các văn bản liên quan về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Yêu cầu đặt ra là ở từng dự án cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và quyết liệt hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương để tập trung tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công.

Trong đó, trọng tâm là tiếp tục xem xét, đánh giá, nhanh chóng rút gọn tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết trong quy trình cấp vốn, hoạt động đấu thầu... Đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch. Qua kiểm tra, giám sát, cần xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao (nếu có).

Người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần nêu cao vai trò, chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao. Trong đó, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch, gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc và đánh giá kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ số dự án và thời gian bố trí vốn, bảo đảm tính liên tục trong đầu tư công.

Các chủ đầu tư, nhà thầu các dự án đầu tư công cần tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc cần báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để được hỗ trợ và giải quyết triệt để.

Cùng vào cuộc chủ động, quyết liệt theo hướng sát việc, rõ trách nhiệm là yêu cầu đặt ra cho các cấp, ngành, địa phương để đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công cao nhất, qua đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2021.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sát việc, rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.