Theo ông Hoàng Nam Sơn-Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thực hiện tốt các giải pháp, đồng thời với sự vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng của các Sở, ngành Thành phố và UBND các quận, việc thực hiện công tác thanh thải, sắp xếp đường dây, cáp đi nổi trong năm 2015 sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân...
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Năm văn minh và trật tự đô thị 2015” do Báo Hà nội mới tổ chức sáng 23/1, ông Hoàng Nam Sơn- Phó Giám đốc Sở Xây dựng đã trả lời nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến vấn đề này.
-Theo kế hoạch, năm nay sẽ tiến hành thanh thải, sắp xếp đường dây, cáp đi nổi tại hơn 200 tuyến phố. Việc này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Năm 2014 Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức thực hiện việc này theo 3 giai đoạn trên 90 tuyến phố; trong đó giai đoạn 1 triển khai 12 tuyến phố, giai đoạn 2 triển khai tại 23 tuyến phố và giai đoạn 3 triển khai trên 55 tuyến phố.
Kết quả là, ở giai đoạn 1 và 2, số lượng dây thông tin đi nổi được thanh thải, sắp xếp là 1.472.255m trên tổng số cột chiếu là 860 cột. Giai đoạn 3 thanh thải 711.800m dây thông tin đi nổi trên 904 cột chiếu sáng. Khối lượng dây điện, cáp đi nổi sau thanh thải được thu gom về khu xử lý rác thải Nam Sơn là 99,2 tấn.
Về thay thế, bổ sung cột điện lực cong, nghiêng mất an toàn, Sở Xây dựng đã phối hợp với Tổng Công ty Điện lực Hà Nội tiến hành khảo sát, lập phương án và thi công theo kế hoạch, đã triển khai trồng mới 78 cột bổ sung, thay thế cho cột điện lực cong, nghiêng, mất mỹ quan đô thị trên địa bàn 8 quận là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai và Tây Hồ.
Trong năm 2015, chúng tôi đặt ra mục tiêu đưa ra là duy trì các kết quả đạt được của năm 2014 và tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh thải, sắp xếp đường dây, cáp đi nổi trong năm 2015 ở trên 200 tuyến đường phố trên địa bàn các quận; hoàn thành cơ bản công tác thanh thải, sắp xếp các đường dây, cáp trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Ông Hoàng Nam Sơn-Phó Giám đốc Sở Xây dựng |
Việc thực hiện thanh thải, sắp xếp lại các đường dây, cáp đi nổi trên các cột điện, các cột chiếu sáng công cộng là công việc cần thiết, tiến hành liên tục trên phạm vi các quận và toàn thành phố nhằm góp phần hình thành bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại.
Đồng thời, ngành đảm bảo an toàn vận hành hệ thống lưới điện hạ thế và hệ thống chiếu sáng phục vụ nhân dân Thủ đô; duy trì tốt thông tin, liên lạc, tín hiệu truyền hình cáp phục vụ các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong trong khu vực tổ chức thanh thải, sắp xếp các đường dây, cáp.
Về thanh thải toàn bộ các đường dây, cáp đi nổi trên các cột chiếu sáng là cột thép và các cột chiếu sáng là cột bê tông ly tâm tại dải phân cách giữa, trên các tuyến phố có hàng cột điện lực chạy song song; trong đó giai đoạn 1, vào tháng đầu năm thực hiện trên 16 đoạn tuyến phố và 1 khu đô thị.
Về thanh thải, sắp xếp các đường dây, cáp đi nổi trên các cột chiếu sáng là cột bê tông ly tâm tại các tuyến phố không có hàng cột điện lực hoặc có nhưng không đủ điều kiện để chuyển dây vào cột điện lực, tháo dỡ các đường dây gây mất an toàn, giai đoạn 1, tháng đầu năm thực hiện trên 30 đoạn tuyến phố.
Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức thanh thải, sắp xếp các đường dây, cáp đi nổi trên các cột điện lực, tháo dỡ các đường dây gây mất an toàn: Giai đoạn 1, trong tháng đầu của năm sẽ thực hiện trên 50 đoạn tuyến phố…
-Việc thanh thải, sắp xếp đường dây đi nổi như vậy có ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân không?
-Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị tăng cường công tác phối hợp, giám sát tại hiện trường, nghiệm thu khối lượng, tổ chức thi công đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động, an toàn giao thông và trật tự đô thị trong quá trình thi công thanh thải, sắp xếp lại các đường dây, cáp đi nổi trên các cột chiếu sáng.
Thực hiện tốt các giải pháp này, đồng thời với sự vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng của các sở, ngành Thành phố và UBND các quận, chắc chắn việc thực hiện công tác thanh thải, sắp xếp đường dây, cáp đi nổi trong năm 2015 sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân, hoạt động của các cơ quan, đơn vị cũng như giao thông.
-Thời gian qua, nhiều tại nạn nghiêm trọng tại công trường thi công xảy ra. Theo ông, nguyên dân do đâu?
- Trong những năm gần đây, để phục vụ việc phát triển của các khu đô thị, các công trình xây dựng cao tầng trên địa bàn Thành Phố Hà Nội, cần trục tháp đã được sử dụng ngày càng nhiều trong thi công xây lắp, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và trên phạm vi toàn quốc nói chung đã xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng gây mất an toàn trong quá trình sử dụng cần trục tháp như đứt cáp, rơi mã hàng đang cẩu, đổ cần trục tháp … gây thiệt hai về người và tài sản.
Các vụ việc trên xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là do yếu tố con người (chưa qua đào tạo, biện pháp thi công và tổ chức thi công thiếu khoa học, không hợp lý; chủ quan trong quá trình lắp dựng cần trục tháp, vận hành; thiếu giám sát, kiểm tra…), yếu tố không gian (mặt bằng thi công chật hẹp, xây xen trong phố, thi công trong khu vực đông dân cư và phương tiện giao thông hoạt động với mật độ cao…), yếu tố thời tiết (mưa bão, giông, lốc…), hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của các cơ quan, người có thẩm quyền chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời.
-Biện pháp khắc phục tình trạng này là gì?
-Để khắc phục, hạn chế những nguyên nhân trên và thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội đã triển khai dự thảo Chỉ thị về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý sử dụng, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội trình UBND Thành phố và đã được UBND Thành phố chấp thuận và ban hành chỉ thị số 08 của UBND Thành phố về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý sử dụng, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan và các đơn vị có liên quan đến quản lý, sử dụng và vận hành cần trục tháp.
Cụ thể, Sở Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ việc thiết kế, phê duyệt tổng mặt bằng công trường xây dựng, biện pháp thi công, các điều kiện sử dụng, vận hành cần trục tháp, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ trên công trường; tiếp nhận hồ sơ, xem xột chấp thuận thiết kế tổng mặt bằng công trường xây dựng, thiết kế biện pháp thi công cần trục tháp và các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trên công trường trước khi chủ đầu tư phê duyệt trong trường hợp vùng hoạt động của cần trục tháp vượt khỏi phạm vi công trường; tăng cường chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra…; tạm ngừng hoặc đình chỉ hoạt động của cần trục tháp, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm…, chỉ cho phép sử dụng, vận hành trở lại khi đã hoàn thành việc khắc phục.
Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm, trước khi thi công xây dựng, phải thiết kế tổng mặt bằng công trường xây dựng, thiết kế biện pháp thi công cần trục tháp và phải trình chủ đầu tư phê duyệt, trong đó, xác định rõ vị trí đặt cần trục tháp, mặt bằng lắp dựng, vận hành, biện pháp tháo dỡ; thành lập mạng lưới và bộ phận quản lý công tác an toàn lao động trên công trường và quản lý vận hành của cần trục tháp; đồng thời quy định cụ thể công việc thực hiện và trách nhiệm đối với những cá nhân quản lý và vận hành cần trục tháp..
Nhà thầu thi công xây dựng cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định, quy trình, quy phạm về lắp dựng, vận hành, bảo trì cần trục tháp, các quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình; định kỳ thực hiện việc kiểm định thiết bị và đăng ký hoạt động cần trục tháp theo quy định; thường xuyên kiểm tra biện pháp, dụng cụ đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ cho người, thiết bị và các công trình lân cận trong phạm vi hoạt động của cần trục tháp, áp dụng các biện pháp cụ thể, chủ động ngăn ngừa vật rơi; tổ chức cắm biển báo sơ đồ mặt bằng thi công cần trục tháp trên công trường ở nơi dễ đọc và dễ quan sát, trong đó ghi rõ tên và số điện thoại liên lạc của người có trách nhiệm của đơn vị quản lý sử dụng cần trục tháp....
-Việc xử lý tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo nói chung và ở tuyến phố mới như Xã Đàn nói riêng đã đến đâu, thưa ông?
- Thành phố Hà Nội đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nhiều dự án mở đường được triển khai thực hiện. UBND Thành phố đã có quyết định Quyết định 15/2011 chỉ đạo về xử lý trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh sau khi thực hiện dự án mở đường trên địa bàn Thành phố. Các sở, ngành cũng ban hành các văn bản hướng dẫn UBND các quận, huyện và đôn đốc tập trung xử lý các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" theo các phương án: Thu hồi sử dụng vào mục đích công cộng; hợp thửa hợp khối; cải tạo chỉnh trang đảm bảo cảnh quan kiến trúc đô thị hai bên tuyến đường mới mở.
Để xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh sau khi thực hiện dự án mở đường mới, Thành phố đã chỉ đạo chủ đầu tư xây dựng tuyến đường đồng thời với lập quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị hai bên tuyến đường, trong đó xem xét đến việc thu hồi đất theo định Quyết định 15/2011 phê duyệt dự án đồng thời với việc phê duyệt quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị hai bên tuyến đường làm cơ sở cho quận, huyện quản lý kiến trúc và xử lý các trường hợp phát sinh siêu mỏng siêu méo.
Tuyến Xã Đàn có trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh sau khi thực hiện dự án mở đường còn tồn đọng 6 trường hợp đi qua 2 phường Phương Liên và Nam Đồng (mỗi phường có 3 trường hợp) hiện đang giữ nguyên trạng.
Thực hiện quyết định 15/2011 của UBND, UBND các quận đã triển khai xây dựng các phương án xử lý, tuy nhiên do có những điều chỉnh thay đổi về chế độ chính sách hàng năm nên cần phải bổ sung, điều chỉnh phương án, như: Điều chỉnh quy hoạch từ đất ở sang đất công cộng, phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai mới có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2014, do trước đây khi lập phương án sử dụng đất sau khi thu hồi, quận đã bố trí sử dụng làm vỉa hè hoặc trồng cây xanh. Tại văn bản số 2287/UBND-TNMT ngày 01/4/2013, UBND Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công cộng nhưng không sử dụng làm vỉa hè, trồng cây xanh, do đó quận phải điều chỉnh lại phương án sử dụng đất sau khi thu hồi.
Đến nay UBND quận Đống Đa đã xây dựng phương án thu hồi, đã đo vẽ, xin chỉ giới quy hoạch, được Sở Quy hoạch – Kiến trúc cấp chỉ giới tại văn bản số 66/QHKT-P7 ngày 8/01/2015; đã lập quy hoạch tổng mặt bằng các trường hợp cụ thể, đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật tổng dự toán, đang triển khai phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng để ra quyết định thu hồi
-Kế hoạch của Sở Xây dựng về xử lý vấn đề nhức nhối này trong thời gian tới?
-Để tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng và xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng hai bên tuyến đường vành đai1, vành đai 2 và các tuyến đường khác trên địa bàn Thành phố, Sở Xây dựng đã yêu cầu UBND các quận, huyện tiếp tục kiểm tra rà soát và triển khai thực hiện xử lý các trường hợp tồn đọng theo phương án đã báo cáo HĐND- UBND Thành phố; đồng thời xây dựng tiến độ chi tiết để thực hiện. Sở cũng chỉ đạo UBND các phường và lực lượng quản lý trật tự xây dựng tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn không để phát sinh mới các trường hợp siêu mỏng, siêu méo, đặc biệt trên các tuyến mới mở.
Chỉ đạo thành lập tổ công tác gồm Đội thanh tra xây dựng, phòng quản lý đô thị, phòng Tài nguyên – Môi trường, UBND các phường ứng trực 24/7, kiểm tra, quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị không để phát sinh đặc biệt công trình siêu mỏng, siêu méo.
Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của quận rà soát các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng hai bên tuyến đường (siêu mỏng, siêu méo), thiết lập hồ sơ (sơ đồ thửa, ảnh hiện trạng, sơ đồ tuyến…) và xây dựng phương án xử lý cụ thể.
-Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.