Cải cách hành chính

Sắp xếp đơn vị hành chính: Tạo đồng thuận, giải những bài toán khóBài cuối: Không gian mới tạo động lực mới

Huyền - Chi 09/08/2024 - 06:24

Sáp nhập các đơn vị hành chính không còn là câu chuyện mới, song luôn là vấn đề hệ trọng đối với mỗi địa phương khi tiến hành sắp xếp.

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân. Hà Nội phát huy nguồn lực mới này ra sao, hành trình thực hiện thế nào là nội dung Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh chia sẻ trên Báo Hànộimới.

thanh-tri.jpg
Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp thuộc thành phố Hà Nội góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Trong ảnh: Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” huyện Thanh Trì.

- Đồng chí có thể khái quát ý nghĩa của việc sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Nội trong bối cảnh phát triển hiện tại, tương lai và Hà Nội triển khai như thế nào, tiến độ ra sao?

- Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn thành phố, nhằm cụ thể hóa chủ trương tiếp tục đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 37-NQ/TƯ ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, nhằm giảm số lượng đơn vị hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12-7-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Theo tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, thành phố Hà Nội có 173 xã, phường, thị trấn thuộc 26 quận, huyện, thị xã và quận Hoàn Kiếm thuộc diện sắp xếp. Tuy nhiên, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 quy định một số tiêu chí không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính; mặt khác, với vị trí trung tâm chính trị, hành chính quốc gia; vị trí đặc biệt về quốc phòng, an ninh; có truyền thống lịch sử, văn hóa; trình độ phát triển kinh tế, đô thị và nhiều yếu tố đặc thù khác, việc triển khai, tổ chức thực hiện phải được tiến hành khoa học, chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm sự chỉ đạo của Trung ương và phù hợp tình hình thực tiễn, phải tạo được sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên và đồng thuận của nhân dân.

Căn cứ tiêu chí, tiêu chuẩn quy định và thực tiễn mỗi địa phương, các quận, huyện, thị xã đã xây dựng dự thảo phương án sắp xếp cụ thể; Sở Nội vụ thẩm định, đề xuất Tổ công tác do Ban Chỉ đạo thành phố thành lập làm việc với tập thể lãnh đạo một số địa phương xây dựng phương án chưa đạt yêu cầu để thống nhất lại và trình Thành ủy phê duyệt chủ trương, HĐND thành phố quyết nghị thông qua đề án, báo cáo Bộ Nội vụ thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính của thành phố Hà Nội tác động đến 130 xã, phường, thị trấn của 20 quận, huyện, thị xã. Theo đó, thành phố sẽ giảm 61 xã, phường; có 3 địa phương (huyện Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng) xây dựng Đề án trở thành quận thực hiện sắp xếp theo Đề án xây dựng huyện thành quận.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp thuộc thành phố Hà Nội bảo đảm thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của trung ương, phù hợp thực tiễn tại địa phương, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, tập trung nguồn lực và nâng cao hiệu quả của chính quyền cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức…

- Vậy, những vấn đề đặt ra với Hà Nội trong triển khai như thế nào? Việc giữ quận Hoàn Kiếm có ý nghĩa thế nào với Thủ đô, thưa đồng chí?

- Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa và khoa học, kỹ thuật, là trung tâm lớn về giao dịch kinh tế và quốc tế của cả nước, đồng thời là nơi đặt trụ sở các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là đô thị loại đặc biệt... Do đó, việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở Thủ đô bảo đảm không ảnh hưởng đến hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô, cũng như không tác động đến an ninh chính trị, sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tâm tư, tình cảm của nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế...

Quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện, theo tiêu chí diện tích và dân số thuộc diện sắp xếp, song có yếu tố đặc thù, nên không thực hiện. Lý do không sắp xếp vì quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của thành phố Hà Nội. Quận có địa giới hành chính ổn định, hình thành trước năm 1945, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, gắn với truyền thống lịch sử hình thành của thành Đại La, Thăng Long, Đông Đô, của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Việc không sắp xếp đơn vị hành chính đối với quận Hoàn Kiếm, vừa bảo đảm các yếu tố đặc thù theo quy định của Trung ương, vừa phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô và cả nước, nhất là cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học, nhà Hà Nội học.

- Thành phố có giải pháp nào để việc sắp xếp, sáp nhập không gây biến động lớn và bộ máy có thể vận hành hiệu quả, thưa đồng chí?

- Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức thận trọng, khoa học, khách quan, có tính nhân văn; vừa đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, vừa phù hợp năng lực, sở trường, vị trí công việc từng cán bộ, công chức. Cụ thể, dựa trên năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của các cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để xem xét tuyển dụng, điều động hoặc luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị cấp huyện, địa phương khác trong thành phố theo yêu cầu nhiệm vụ.

Cán bộ, công chức đủ tuổi nghỉ hưu, gần đến tuổi nghỉ hưu, thành phố cho nghỉ chế độ theo quy định pháp luật; cán bộ có nguyện vọng nghỉ công tác, chuyển công tác cũng được giải quyết kịp thời. Đồng thời, thành phố sắp xếp, điều động cán bộ đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong cùng đơn vị hành chính cấp huyện. Ngoài cơ chế, chính sách chung của Trung ương, đối với cán bộ dôi dư, thành phố đã ban hành Nghị quyết số 17/2023/HĐND ngày 6-12-2023 của HĐND thành phố quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nghỉ công tác khi sắp xếp đơn vị hành chính.

- Sau sắp xếp, thành phố tập trung vào những vấn đề gì để tạo động lực phát triển mới cho Hà Nội, thưa đồng chí?

- Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính của thành phố Hà Nội, thành phố sẽ chỉ đạo: Tập trung rà soát quy hoạch vùng huyện, quận, thị xã; xã, phường, thị trấn bảo đảm phù hợp với đơn vị hành chính mới. Rà soát các thiết chế văn hóa cơ sở; thống nhất phương án sắp xếp, bố trí, phát huy tối đa cơ sở nhà đất, trụ sở, tài sản công, nhất là khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả trường học, trạm y tế… Thành phố cũng hướng tới sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động…

Về giải pháp ổn định, xây dựng, phát triển các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp, thành phố sẽ tập trung nguồn lực cho đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh…

Thành phố sẽ tranh thủ các nguồn lực để xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, mở rộng trạm y tế, trường học, công trình văn hóa, cơ quan và công trình công cộng trên địa bàn; tiếp tục phát huy nguồn lực của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hoá cơ sở ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố.

- Các địa phương cần làm gì để triển khai có hiệu quả việc sắp xếp, thưa đồng chí?

- Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính của thành phố Hà Nội, thành phố sẽ chỉ đạo các địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm để triển khai hiệu quả việc sắp xếp.

Một là, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sắp xếp đơn vị hành chính. Hai là, tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp, ổn định bộ máy, nhân sự tại các đơn vị hành chính được sắp xếp, nhất là làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ dôi dư và cán bộ, công chức, người lao động thuộc diện phải điều động sang đơn vị khác hoặc bố trí công tác khác; đồng thời lựa chọn cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực tốt tiếp tục bố trí vào vị trí người đứng đầu đơn vị hành chính sau sắp xếp. Ba là, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Bốn là, bố trí, sắp xếp nhanh chóng, khai thác hiệu quả đối với trụ sở, nhà, đất, tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính sau sắp xếp gắn với lộ trình thực hiện Đề án quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản công trên địa bàn thành phố. Năm là, quan tâm, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường và điều kiện sống tốt hơn cho người dân tại địa phương thực hiện sắp xếp. Sáu là, chỉ đạo các sở, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn xây dựng phương án hỗ trợ tổ chức, công dân trong việc chuyển đổi hồ sơ, giấy tờ do sắp xếp...

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắp xếp đơn vị hành chính: Tạo đồng thuận, giải những bài toán khó Bài cuối: Không gian mới tạo động lực mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.