Chính trị

Sắp xếp đơn vị hành chính: Tạo đồng thuận, giải những bài toán khóBài 4: Giải hàng loạt bài toán khó

Nhóm phóng viên 08/08/2024 - 07:08

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2025 phải hoàn thành trước tháng 10-2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý I-2025.

Với lộ trình này, thời gian không nhiều, trong khi sắp xếp đơn vị hành chính có nhiều nội dung phức tạp, mức độ tác động, ảnh hưởng lớn…, hàng loạt bài toán khó đang được Hà Nội tập trung giải quyết...

nguoi-dan-xa-kim-thu-huyen.jpg
Người dân xã Kim Thư (huyện Thanh Oai) xem danh sách cử tri lấy ý kiến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Tầm nhìn tương lai

Việc sắp xếp và vận hành đơn vị hành chính mới trong bài toán tổng thể nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền Thủ đô, đặc biệt trong năm 2024 - năm tiền đề để Hà Nội hoàn thành các mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Đây cũng là bước đệm để Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 định hình mục tiêu mới, tạo bứt phá cho công cuộc phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới...

Nhìn lại cuộc hợp nhất tỉnh Hà Tây và Thủ đô Hà Nội vào năm 2008, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây Bùi Duy Nhâm chia sẻ, chúng ta có thể nhìn thấy một Hà Nội hiện nay sau 16 năm mở rộng địa giới hành chính. Những đau đáu của cán bộ năm xưa đã được hồi đáp, một Hà Nội thịnh vượng, phồn vinh là minh chứng cho cuộc hợp nhất lịch sử này. Ghi nhận lớn nhất là đời sống người dân từ nội thành đến ngoại thành đều được nâng cao. Khu vực ngoại thành có bước chuyển biến rõ nét, nguồn lực đầu tư vào các huyện rất lớn so với thời điểm trước đó.

Về việc sắp xếp và vận hành đơn vị hành chính mới, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức khẳng định, ngay sau khi có quyết định về sắp xếp các đơn vị, Thạch Thất nhanh chóng ổn định tổ chức để bộ máy hành chính cấp xã mới bắt tay ngay vào việc. Đặc biệt, đối với các xã sau sáp nhập, huyện sẽ đẩy mạnh đầu tư không gian phát triển mới. Còn theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, khi xây dựng quy hoạch mới, huyện đã bổ sung quy hoạch đối với các đơn vị hành chính mới sáp nhập. Huyện đặc biệt chú trọng hạ tầng giao thông kết nối, tạo tiềm lực mới cho các địa phương sau sáp nhập...

Chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc sau sắp xếp đơn vị hành chính, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến chia sẻ, để bảo đảm sự ổn định sau sắp xếp đơn vị hành chính, UBND quận phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch trong việc thay đổi giấy tờ liên quan (căn cước công dân, đăng ký kinh doanh...), tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục chuyển đổi giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí. Đối với các loại giấy tờ còn giá trị sử dụng tiếp tục được sử dụng; người dân muốn cấp mới sẽ được đáp ứng nhu cầu.

Có thể khẳng định, sự chủ động và tìm hiểu kỹ cùng những giải pháp cụ thể của thành phố trong từng lĩnh vực đã khẳng định sự vào cuộc quyết liệt, song cũng bảo đảm hài hòa, hiệu quả, thông suốt trong quá trình vận hành, quản lý hành chính tại các quận, huyện...

Bài toán về nhân sự

Sắp xếp đơn vị hành chính là xu thế phát triển tất yếu, không thể chậm trễ. Tuy nhiên, đây là bài toán khó, nếu không tính toán kỹ và có giải pháp đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, người dân, dễ tạo bức xúc trong dư luận.

Theo đề án, Hà Nội giảm 61 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn, nhiều cán bộ phải bố trí công việc khác. Sắp xếp nhân sự bảo đảm hoạt động trơn tru của bộ máy trong quá trình chuyển đổi, tạo nền tảng cho những bước tiếp theo thật sự là vấn đề khó, nhất là sắp xếp thế nào để cán bộ yên tâm công tác. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu, về công tác cán bộ sau sắp xếp đơn vị hành chính, các đơn vị phải thực hiện, vận dụng theo nguyên tắc lắng nghe, đáp ứng nguyện vọng về công việc theo quy định, không để nảy sinh tâm tư, thiệt thòi đối với đội ngũ cán bộ dôi dư.

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, nguyên Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Đào Tự Mão cho biết, sáp nhập các đơn vị hành chính luôn là bài toán khó, trong đó nhân sự là vấn đề cốt lõi. Nhìn lại các cuộc sáp nhập trước đây, điển hình là năm 2008, khi tỉnh Hà Tây hợp nhất vào Hà Nội, đại đa số cán bộ, người dân Hà Tây băn khoăn... Song, nhìn lại 16 năm qua, đời sống người dân ổn định, công tác quản lý, cán bộ được triển khai hài hòa, Thủ đô đã có cuộc chuyển biến, mở rộng và phát triển như ngày nay.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Lê Tiến Thiết, việc sắp xếp các đơn vị hành chính của huyện sẽ dôi dư 94 cán bộ, 28 công chức. Để ổn định công tác tổ chức, trước đó, UBND huyện Ứng Hòa đã tạm dừng việc bầu các chức danh: Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng đoàn thể chính trị - xã hội ở các địa phương trong diện sắp xếp cho đến khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính tương ứng có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp khuyết người đứng đầu mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của cấp có thẩm quyền.

“Huyện đã dự kiến phương án bố trí sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư trên cơ sở quy định của pháp luật và việc rà soát quá trình công tác, tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bằng cấp chuyên ngành đào tạo có khả năng đáp ứng các vị trí việc làm của cán bộ, công chức để có phương án hài hòa, đúng quy định. Huyện cũng động viên cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, tinh giản biên chế…”, ông Lê Tiến Thiết cho hay.

Cũng về vấn đề này, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Oai Đinh Hữu Bình đề nghị thành phố chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết, tháo gỡ đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã dôi dư, nhất là các cán bộ chủ chốt, như: Quan tâm chế độ, chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ công tác, sát hạch chuyển ngạch công chức cấp xã, cấp huyện đối với một số cán bộ, công chức. UBND thành phố và Sở Nội vụ hướng giải quyết đối với số công chức sau sắp xếp vẫn dôi dư giữ chức danh Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã.

Công tác cán bộ luôn là bài toán khó, song nếu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, chắc chắn tạo được sự đồng thuận. Chủ tịch UBND xã Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thành cho biết, các xã: Lưu Hoàng, Đội Bình, Hồng Quang sẽ nhập thành xã Bình Lưu Quang. “Khi triển khai, nhiều cán bộ xã cũng băn khoăn, tâm tư, nhất là đội ngũ Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ…, thậm chí cả Phó Chủ tịch UBND xã, nhưng sau khi nghiên cứu đề án, cán bộ, đảng viên đều xác định đây là tiến trình tất yếu, hướng tới sự phát triển cho quê hương. Bản thân tôi, còn khoảng 2 năm công tác, nếu công tác cán bộ khó khăn, tôi tự nguyện xin về hưu trước để sớm ổn định tổ chức…”, ông Nguyễn Văn Thành trải lòng.

Chia sẻ về giải pháp khi triển khai sắp xếp, Trưởng phòng Nội vụ quận Ba Đình cho hay, quận đã chuẩn bị từ xa: Năm 2023 tạm dừng thi tuyển công chức cấp phường, dành chỉ tiêu biên chế để bố trí đội ngũ cán bộ, công chức sau sáp nhập. Trong đó, ưu tiên công chức tại hai phường sáp nhập được chọn phường khác trong quận còn thiếu biên chế để chuyển đến. Biên chế cấp phường của quận Ba Đình hiện thiếu khoảng 30 người, quận sẽ bố trí 7 công chức dôi dư sang các phường này; đội ngũ cán bộ là trưởng các đoàn thể, như: Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ, Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường... sẽ đề xuất thành phố xét chuyển thành công chức, nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện và đáp ứng đề án vị trí việc làm.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 đã nêu rõ, khi nhập hai bộ máy, ngoài những cán bộ, công chức chuyển công tác hoặc xin nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân thì cần sắp xếp; còn lại sẽ nhập nguyên trạng số lượng cán bộ, công chức của hai bên và giải quyết từng bước theo lộ trình sau 5 năm, từ khi quyết định sáp nhập có hiệu lực. Trong đó, với những vị trí cán bộ chuyên trách của các đơn vị cấp xã phải sắp xếp đơn vị hành chính (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, trưởng đoàn thể), thành phố sẽ có phương án và chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiến hành sắp xếp phù hợp; các chức danh cấp phó và công chức của 2 đơn vị sáp nhập được giữ nguyên, nên vị trí công việc mà họ đang đảm nhiệm sẽ được tiếp tục, không có gì thay đổi…

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã chỉ đạo, trong quá trình sắp xếp phải đặc biệt chú trọng đến các chủ thể chịu tác động, ảnh hưởng. Trong quá trình triển khai, phải chuẩn bị phương án sắp xếp kỹ lưỡng, khoa học, linh hoạt, phù hợp với tình hình, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương...

Sau khi sắp xếp, có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (số lượng giữ nguyên), gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã; 518 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 337 xã, 160 phường, 21 thị trấn - giảm 61 đơn vị (46 xã, 15 phường). Số cán bộ, công chức có mặt ở 130 xã, phường, thị trấn liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính là 3.383 người; số cán bộ, công chức được giao khi sắp xếp là 2.329 người; số dôi dư sau sắp xếp là 1.054 người (520 cán bộ, 365 công chức, 169 hợp đồng không chuyên trách).

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sắp xếp đơn vị hành chính: Tạo đồng thuận, giải những bài toán khó Bài 4: Giải hàng loạt bài toán khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.