(HNMO) - Ông Lưu Tiến Long, GĐ Sở Công Thương cho biết, đây là các hoạt động của ngành được tổ chức chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và năm du lịch Quốc gia.
Một trong những mục tiêu của Tuần lễ là kích cầu tiêu dùng, tìm đầu ra cho các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ. Ảnh minh hoạ |
Với mục tiêu quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, tìm đầu ra cho các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ.. Tuần lễ là một chuỗi các hoạt động phong phú.
Tính đến nay, đã có 80 đơn vị đăng ký tham gia, bao gồm 52 doanh nghiệp, hiệp hội; 28 nghệ nhân, thợ giỏi và gần 379 sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc thuộc 12 nhóm nghề: Gốm sứ, mây tre lá, lụa, đồng và kim khí, sừng, gỗ, giấy, đá, thuê ren, khảm trai, sơn mài và các chất liệu khác. Hiện nay, Ban tổ chức vẫn tiếp tục nhận được đăng ký trưng bày sản phẩm của các đơn vị và cá nhân khác.
Một trong các hoạt động nổi bật của Tuần lễ là kết nối các tour du lịch làng nghề. Ban tổ chức đã tiến hành 2 đợt khảo sát các điểm đón khách của các làng nghề truyền thống, xây dựng được 4 lịch trình: Vân Hà - Bát Tràng, Bát Tràng - Quất Động, Phú Vinh - Vạn Phúc và Hạ Thái - Chuôn Ngọ. Các tour này sẽ được chạy chính thức từ ngày 4/8, là ngày khai mạc của chương trình.
Ngay sau lễ khai mạc được tổ chức vào 19h30 ngày 4/8 tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt Xô, là chương trình trình diễn sản phẩm "Chất liệu truyền thống - Thiết kế hiện đại"; trình diễn tay nghề của Nghệ nhân thợ giỏi của 13 nhóm nghề đã đăng ký thao gia thao diễn.
Ngoài ra, các hoạt động kết nối đối tác được tổ chức trong suốt thời gian của chương trình, từ 5-8/8 nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Theo ông Long, tính đến nay, đã có 60 doanh nghiệp trong nước và 5 doanh nghiệp nước ngoài đơn vị đăng ký kết nối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.