(HNM) - Hà Nội có gần 20 đơn vị nghệ thuật quốc doanh tá túc với đủ các thể loại, từ chèo, tuồng, cải lương đến kịch nói, xiếc, ca múa nhạc. Riêng kịch nói ít nhất có 5 đơn vị: Nhà hát Kịch nói Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch quân đội, Nhà hát Kịch Hà Nội và Đoàn kịch Bộ Công an. Thế nhưng...
Vở kịch nói đầu tiên do vợ chồng diễn viên chuyên nghiệp người Pháp là Deschamps diễn trước cổng đền Ngọc Sơn đêm 16-3-1885 là dấu mốc đầu tiên kịch phương Tây vào Việt Nam. 16 năm sau, năm 1921 vở "Chén thuốc độc", vở kịch thuần Việt của Vũ Đình Long chính thức ra mắt khán giả tại Nhà hát lớn Hà Nội "khai sinh" cho kịch nói Việt Nam. Theo thời gian, Hà Nội xuất hiện nhiều các nhóm kịch. Hà Nội trở thành cái nôi của kịch nói và kịch nói cũng là đặc sản của Hà Nội. Giai đoạn phát triển đỉnh cao của bộ môn nghệ thuật này là vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Các rạp dù không có máy lạnh nhưng tối nào cũng chật ních người xem. Đặc biệt là trước khi diễn ra hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1985 và 1990. Các vở: "Nếu anh không đốt lửa", "Tôi và chúng ta", "Mùa hè ở biển", "Nhân danh công lý", "Hồn Trương Ba da hàng thịt", "Ông không phải bố tôi", "Lời thề thứ 9"... diễn tới hàng trăm suất. "Tôi và chúng ta", "Nhân danh công lý", "Nếu anh không đốt lửa"... có ngày diễn 3 suất. Thời ấy, sân khấu thật lắm người tài và tâm huyết. Đạo diễn có Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Phạm Thị Thành, Xuân Huyền... Tác giả kịch bản có Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Tất Đạt, Hoài Giao, Sỹ Hanh...
Khi nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ mất vì tai nạn giao thông năm 1988, các kịch bản của ông vẫn được các đoàn dàn dựng và tiếp tục làm nóng sân khấu Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Rồi các vở kịch nói thưa dần, leo lét như ngọn đèn và có lúc bị gió làm tắt. Có nhiều lý do giải thích cho sự vắng lặng của kịch nói. Người thì quan niệm: bây giờ có nhiều loại hình văn hóa hơn nên khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn. Lại có người cho rằng, kịch nói không phản ánh được các vấn đề nóng bỏng của ngày hôm nay nên không đáp ứng được đòi hỏi của người xem khiến khán giả xa kịch.
Một thực tế không thể phủ nhận là hiện tại không có kịch bản hay, thiếu đạo diễn giỏi, thiếu người làm sân khấu có lửa... Song câu hỏi đặt ra là nếu không có kịch bản tốt tại sao các nhà hát không tìm cách khác thay vì cứ chờ đợi các tác giả gửi đến? Thêm nữa, nếu phá rào nhuận bút chắc chắn cũng sẽ có kịch bản hay. Khi có "bột" tốt, thì dễ dàng "gột nên hồ". Sân khấu vẫn im ắng chứng tỏ chẳng ai làm gì và nguyên nhân là sân khấu quốc doanh dù không có vở diễn cũng chẳng chết bởi Nhà nước vẫn trả... lương.
Hà Nội có không ít người nghiện kịch nói, thậm chí có người kinh tế dư dả lên "cơn nghiền" nên đã vào TP Hồ Chí Minh xem một lúc mấy vở liền. Chất lượng là điều phải bàn nhưng ít nhất cũng có kịch để mà xem. Còn Hà Nội, kịch nói vẫn tiếp tục vắng lặng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.