Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sao Mai-Điểm hẹn 2012: Cuộc chơi mang âm trầm

Thụy Du| 13/08/2012 06:58

(HNM) - Sao Mai - Điểm hẹn 2012 (SMĐH) đã kết thúc 10 tuần đến với công chúng trên sóng truyền hình. Xét về góc độ đào tạo ca sĩ, giúp họ định hình lối đi trên con đường âm nhạc và tiến tới sự chuyên nghiệp thì chương trình đã làm được, nhưng về mặt giải trí cho khán giả thì có lẽ cuộc chơi này chỉ mang âm trầm.


Thanh Tâm ấn tượng với “Phật Bà nghìn mắt nghìn tay”. Ảnh: Đông Hiếu

Theo dõi cả 10 tuần thi, kết quả SMĐH năm nay với giải của Hội đồng nghệ thuật dành cho chàng kiến trúc sư hơi “dị” Nguyễn Đình Thanh Tâm; giải khán giả yêu thích thuộc về giọng ca nội lực và bài bản Lê Việt Anh; còn anh chàng điển trai Nguyễn Đông Hùng với giải Triển vọng là khá hợp lý. Rõ ràng Thanh Tâm đã tiến bộ nhiều khi biết cách thể hiện sự "quái", "lạ" của mình trên sân khấu ngày thêm hấp dẫn. Anh khắc phục được điểm yếu trong giọng hát chưa qua đào tạo bài bản ngày một khéo léo và vượt khỏi từ "non" của Hội đồng nghệ thuật một cách thuyết phục, nhất là ở đêm cuối với "Phật bà nghìn mắt nghìn tay", "Nghi ngại"… Với Lê Việt Anh, khán giả luôn cảm thấy yên tâm bởi ca sĩ giải nhì Sao Mai 2011 biết cách làm bài hát hay nhất có thể. Cùng với việc chọn bài thông minh, có chiến lược, điểm cộng từ khán giả dễ thuộc về anh hơn cái quái của Thanh Tâm. Còn với Đông Hùng, trước cuộc chơi, ai cũng nghĩ Đông Hùng sẽ hát nhạc trẻ trữ tình, lấy lòng khán giả với vẻ điển trai, thư sinh, ấy vậy mà anh lại khẳng định mình trên con đường nhạc rock gai góc. Chàng trai nhỏ tuổi nhất SMĐH, chưa được đào tạo về thanh nhạc nhưng có sức hút đến lạ. Với mỗi ca khúc, nhất là nhạc rock, anh truyền tải đúng sự giản dị, nhiệt huyết, trẻ trung, không màu mè mà đầy nội tâm.

SMĐH đã kết thúc mùa thứ 5, sức hút với khán giả không còn được nhiều như trước. Điều đó không nằm ở chất lượng thí sinh. Một chương trình giải trí trên truyền hình mà có đến 5/10 tuần, chỉ là cuộc tranh tài lặp lại của các thí sinh nam, dù mỗi người một phong cách, vẫn khiến khán giả thấy thiếu sự mềm mại, tha thướt bởi 3 giọng ca nữ đã bị loại quá sớm, dù xét cho cùng những người đi tiếp xứng đáng hơn. Nói như nhà thơ Phan Huyền Thư, thành viên Hội đồng nghệ thuật, thì "nghệ thuật sòng phẳng lắm" - đó đúng là tiêu chí của chương trình, tức là không có sự ưu ái, sắp xếp mà chỉ dựa vào khả năng thật sự. Nhưng đòi hỏi tạo sự hấp dẫn, đa dạng, đa màu cho một chương trình phát sóng quá lâu trên truyền hình của khán giả là đúng đắn. Nhất là khi các show truyền hình thực tế mua bản quyền nước ngoài đang ăm ắp các chiêu trò thu hút họ.

Ngay cả thành viên Hội đồng nghệ thuật, những nhận xét của nhà thơ Phan Huyền Thư, ca sĩ Tùng Dương, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong luôn ân cần, tỉnh táo, có chê có khen thấu đáo chứ không tâng bốc ca sĩ lên tận "mây xanh" nhưng lại lan man và chừng mực quá. Hiếm có lần nhận định nào của các thành viên này nhận được những tràng pháo tay của khán giả nếu không muốn nói có lần còn bị huýt gió, phản đối. Cần góp ý cho ca sĩ tiến bộ hơn đã đi một nhẽ, nhưng lời nhận xét của Hội đồng nghệ thuật còn phải là sự định hướng tai nghe cho công chúng, kích thích họ đến với những màn trình diễn hay, những ca sĩ hát tốt. Không thiếu những nhận xét lan man, không thiếu những cách nói đưa đẩy của Hội đồng nghệ thuật khiến khán giả mất tập trung vào một chương trình đang lên sóng trực tiếp.

Dẫu mang âm trầm, nhưng SMĐH 2012 khép lại thành công vì cho làng nhạc Việt thêm một vài giọng ca tốt. Đặc biệt là Thanh Tâm và Đông Hùng, sắp tới đây họ sẽ chính thức được nhận vào đào tạo tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sao Mai-Điểm hẹn 2012: Cuộc chơi mang âm trầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.