(HNM) - Vừa đi làm về, chị Huyền thấy ở sân tập thể, mấy cô, cậu đang chuyện trò rôm rả. Một cậu khoe:
- Bố mới mua cho tớ một con rùa có tai màu đỏ rất đẹp. Bố bảo nuôi để gặp "hên"!
- Đấy là rùa tai đỏ rồi. Nhà tớ cũng có một con thả trong bể cá cảnh; nó ăn khỏe lắm, đến cá dọn bể cũng "treo" mồm luôn...
Một cô bé có hai bím tóc lắc đầu nguây nguẩy:
- Các cậu chẳng biết gì, rùa tai đỏ sẽ ăn thịt hết các loài vật trong ao, hồ đấy. Người ta đã cảnh báo rồi...
- Thế tại sao rùa tai đỏ vẫn được bán công khai ở các cửa hàng cá cảnh và ở nhiều di tích? Tớ thấy ở hồ bán nguyệt (đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh) và giếng Thiên Quang trong khuôn viên Quốc Tử Giám, rùa tai đỏ bơi kín mặt nước.
Nghe lũ trẻ tranh cãi, chị Huyền liền giải thích: Bạn nói đúng đấy các cháu ạ. Rùa tai đỏ là loài sinh vật có hại nhiều hơn lợi, có hại cho cả hệ sinh thái trong các ao, hồ… như loài chuột làm hại mùa màng đó.
Giải thích cho con trẻ như vậy, rồi chị Huyền cũng gửi nỗi băn khoăn đến NXD: Cùng với việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thông, tại sao các cơ quan chức năng không cấm hẳn việc bán, nuôi rùa tai đỏ? Việc rùa tai đỏ xuất hiện ở các di tích sẽ làm giảm hiệu quả công tác tuyên truyền, thậm chí còn khuyến khích việc nuôi rùa tai đỏ trong một bộ phận người dân. Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt đó, nếu chúng ta không làm đồng bộ thì khó ngăn chặn được việc làm có hại này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.