(HNM) - Lướt Facebook bạn bè, tôi dừng lại rất lâu trước cái tít “Phen này ta quyết đi buôn” trên status của một nhà phê bình cập tuổi tứ tuần (chắc sẽ không mấy xuôi tai khi gọi anh là “nhà phê bình trẻ”).
Ở status này, nhà phê bình chia sẻ, nhà xuất bản (NXB) nọ vừa in của anh một tập phê bình văn học, sau khi đã trừ tiền tác giả mua sách (vài chục cuốn để tặng bạn bè) thì số tiền nhuận bút còn lại mà tác giả được thanh toán chỉ còn… 1,8 triệu đồng! Vậy nên anh mới bông phèng, rằng "quẳng bút" đi buôn may ra mới đủ sống được, chứ văn chương chữ nghĩa “rẻ như bèo” thế này thì bất ổn lắm thay.
Thế mà bên dưới cái status này của nhà phê bình, rất nhiều comment có nội dung đại loại tặng mình cuốn đi bạn ơi. Nếu tác giả cuốn sách đáp ứng hết những yêu cầu dạng này thì số tiền nhuận bút kia chắc chắn sẽ không đủ để mua sách cộng thêm chi trả cước phí bưu điện.
Từ bao giờ người viết có thói quen là tự bỏ tiền túi “mua” giấy phép xuất bản, rồi tự liên hệ in ấn, và sau đó mang sách của mình đi biếu, tặng bạn bè. Có phải vì thói quen tặng và được tặng này đã ăn sâu, mà đến nay, mặc dù sách đã thực sự trở thành một thứ hàng hóa, và người viết đang nỗ lực chuyên nghiệp hóa nghề viết của mình, nhưng những người muốn thụ hưởng thứ sản phẩm tinh thần đặc biệt là sách lại chưa có thói quen móc hầu bao của mình để mua, cứ chờ tác giả biếu, tặng.
Nghề viết quả thực là một nghề lao tâm khổ tứ, do vậy từ lâu đã được gọi là nghề… “giời đày”. Trong sự viết, có lẽ viết phê bình là nhọc nhằn hơn cả. Nhà thơ, nhà văn có thể viết bằng năng khiếu thiên bẩm, bằng bản năng, bằng trải nghiệm trường đời, nhưng nhà phê bình thì phải qua trường bài bản (theo quan sát của tôi, đa số nhà phê bình trẻ - thế hệ 8x - hiện nay có học vị tiến sĩ), phải tinh thông Đông Tây kim cổ, đặc biệt là trong thời đại mà phê bình dần từ chối những lối bình tán chủ quan để hướng đến tính chuyên môn khoa học, tính biện chứng khách quan. Nếu hình dung nhà phê bình như một con tằm nhả tơ thì thử hỏi, để mang đến cho bạn đọc một cuốn sách phê bình chất lượng, nhà phê bình phải ngốn bao nhiêu nong kiến văn để có thể nhả ra chừng ấy tơ chữ?
Dẫu sao, so với những tác giả tự in sách, thì nhà phê bình, tác giả của status nói trên còn may mắn hơn nhiều khi sách của anh đã được NXB nọ đứng ra nhận in ấn, phát hành và anh được hưởng chế độ nhuận bút, dẫu chỉ rất khiêm tốn. Nhiều người đang kêu ca về chất lượng của văn chương chữ nghĩa. Câu chuyện chất lượng này không thể vô can với câu chuyện nhuận bút!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.