(HNM) - Với ý chí, trí tuệ và niềm tin chiến thắng, trong 12 ngày đêm chiến đấu đánh trả cuộc tập kích đường không chủ yếu bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 của đế quốc Mỹ vào cuối năm 1972, Bộ đội Phòng không - Không quân đã quyết đánh, biết đánh và đánh thắng. Để có chiến thắng đó, một yếu tố đặc biệt quan trọng là bộ đội ta đã phát huy trí tuệ, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong cải tiến vũ khí, khí tài và trong chiến thuật đánh địch.
Tại thời điểm năm 1972, Bộ Chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ có 400 chiếc B-52, phân bổ khắp thế giới, trong đó có 200 chiếc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 193 chiếc đã được huy động vào chiến dịch Linebacker II ném bom miền Bắc Việt Nam. Mỗi B-52 mang 16 máy phát nhiễu tích cực với dải tần rộng, hai máy gây nhiễu tiêu cực, hai máy thu tần số ra đa của đối phương, không kể những loại ra đa dẫn đường, phát hiện mục tiêu, ngắm bắn, ngắm ném bom hết sức tinh xảo để làm nhiễu loạn toàn bộ hệ thống thông tin và vô hiệu hóa ra đa đối phương. Các loại máy bay bảo vệ vòng ngoài cũng có nhiều thiết bị gây nhiễu tương tự, tạo thành hành lang nhiễu dày đặc che chắn cho B-52.
Tuy nhiên, trong 12 ngày đêm, quân dân ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 B-52 (có 16 chiếc rơi tại chỗ), 5 F-111A, 21 F-4... Tỷ lệ thiệt hại “siêu pháo đài bay B-52” tới 17,6% khiến Tổng thống Mỹ R.Nixon buộc phải tuyên bố chấm dứt chiến dịch Linebacker II, trở lại bàn đàm phán Hội nghị Paris. Để có kết quả trên, ngoài sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, có một nguyên nhân quan trọng là các nhà khoa học, bộ đội ta đã có nhiều sáng kiến trong cải tiến vũ khí, khí tài và linh hoạt, sáng tạo trong chiến thuật đánh địch.
Trước hết, bộ đội ta đã rất chủ động tìm tòi cải tiến vũ khí, khí tài, trong đó tập trung nghiên cứu, thay đổi tần số điều khiển rãnh đạn làm cho tên lửa không bị các thiết bị đối kháng điện tử của đối phương chế áp. Ta còn cải tiến chế độ bắn thấp; tăng gấp đôi trọng lượng đầu đạn, khi nổ văng ra 12.000 mảnh, chụp vào mục tiêu ở góc độ thích hợp, tạo nhiệt độ cao và sóng xung kích để tiêu diệt máy bay địch… Từ tháng 11-1971 đến tháng 4-1972, kỹ sư Việt Nam phối hợp với chuyên gia Liên Xô đã cải tiến được 53 bộ khí tài tên lửa, gần 300 bệ phóng và hàng trăm quả đạn, khôi phục hơn 2.700 khối máy các loại.
Ở tầm chiến lược, từ thực tế nghiên cứu cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, trên cơ sở phân tích chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của J.Nixon, chúng ta nhận rõ quy luật sử dụng “sức mạnh răn đe tối đa” để kết thúc chiến tranh của Mỹ. Từ đó, căn cứ cục diện chiến trường, ta đã xác định chính xác thời điểm và mục đích chính trị của cuộc tập kích đường không chiến lược của địch vào cuối năm 1972. Để đánh bại chiến dịch Linebacker II, ta mở mặt trận phòng không bảo vệ yếu địa, đồng thời giao nhiệm vụ là lực lượng chủ yếu đánh B-52 - đối tượng chính cần tiêu diệt - cho bộ đội tên lửa.
Cũng trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, lực lượng của ta cũng sáng tạo, linh hoạt trong chiến thuật. Đó là kết quả của việc chúng ta đưa tên lửa vào chiến trường Khu IV để chủ động nghiên cứu, tìm cách đánh B-52 từ sớm, khi Mỹ chưa leo thang đánh phá sâu ra miền Bắc. Từ thực tiễn chiến trường, bộ đội ra đa, tên lửa đã từng bước tìm ra quy luật hoạt động của các dạng nhiễu khi có B-52, các hoạt động của không quân địch khi có sự xuất hiện của không quân ta. Từ đó, ta đã hình thành cách đánh B-52 và thống nhất các thao tác cụ thể của từng vị trí trong mỗi lực lượng để hiệp đồng tác chiến và chủ động phát hiện, tiêu diệt địch.
Từ thực tế chiến đấu, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã xây dựng cẩm nang “Cách chống nhiễu thông tin”, “Quy trình bắt B-52 trong nhiễu”..., tập hợp trong cuốn “sách đỏ” “Cách đánh B-52”.
Để tăng khả năng phát hiện chính xác B-52, ta sử dụng nhiều ra đa, bố trí trận địa ở nhiều hướng, dùng cả ra đa cao xạ không bị nhiễu B-52 chế áp và sử dụng khí tài quang học để phát hiện máy bay địch, truyền phần tử tọa độ mục tiêu cho đài điều khiển tên lửa. Những biện pháp sáng tạo trong chiến thuật đánh địch này đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, các ra đa của ta phát hiện máy bay địch với tỷ lệ rất cao (93% B-52, 86% F-111) giúp cho các đơn vị hỏa lực tiêu diệt kẻ thù.
Cùng với đó, qua theo dõi sát diễn biến của chiến dịch, Quân chủng Phòng không - Không quân đã kịp thời chuyển hóa thế trận, quyết tâm đánh gục B-52 để giành phần thắng. Trên cơ sở xác định đối tượng tiêu diệt chủ yếu là B-52 và khu vực tác chiến chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng, lực lượng chủ yếu đánh B-52 là Bộ đội Tên lửa, Bộ Tổng Tư lệnh và Quân chủng Phòng không - Không quân quyết định triển khai toàn bộ lực lượng tên lửa ở vòng trong để tập trung hỏa lực trên hướng chủ yếu, hướng quan trọng. Hai cụm hỏa lực lớn Hà Nội và Hải Phòng được hình thành, trong đó Hải Phòng có hai trung đoàn tên lửa vừa trực tiếp đánh địch bảo vệ mục tiêu vừa đánh địch vòng ngoài trên hướng Đông, hỗ trợ cho Hà Nội. Trong từng cụm, bố trí pháo cao xạ đánh máy bay chiến thuật bảo vệ trận địa cho tên lửa đánh B-52. Tại các cụm Đường 1 Bắc và Thái Nguyên, ta bố trí hỗn hợp các loại pháo cao xạ đánh địch từ xa trên hướng Bắc và Tây Bắc Hà Nội. Với cách bố trí đội hình chiến đấu “thiên la địa võng” như vậy, kết quả là ngay trong đêm mở màn chiến dịch ngày 18-12-1972, Bộ đội Tên lửa đã bắn rơi 3 B-52.
Trong giai đoạn 2 của chiến dịch, từ ngày 23 đến 25-12-1972, máy bay Mỹ ngừng đánh Hà Nội, tập trung đánh vòng ngoài hòng kéo tên lửa ra, nhưng ta đã nhận rõ âm mưu của địch, giữ nguyên lực lượng tên lửa ở vòng trong và đưa thêm hai tiểu đoàn từ Hải Phòng lên tăng cường bảo vệ Hà Nội. Nhờ vậy, ta đã giành thắng lợi trong trận then chốt quyết định, diệt 8 chiếc B-52 trong trận đánh đêm 26-12-1972.
Thượng tướng Anatoly Ivanovich Khiupenen, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam từng nói: “Trao vũ khí tên lửa cho các bạn Việt Nam là trao nó cho những bộ óc sáng tạo và những bàn tay vàng”... Thực tế chiến trường Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972 đã khẳng định điều đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.