Đã có những quãng thời gian, nghề làm giấy dó tưởng sẽ thất truyền. Nhưng giờ, giấy dó đang trở lại cùng với sự sáng tạo của các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà thiết kế...
Một trong những người mở “lối về” cho giấy dó là cô thợ thủ công trẻ Đoàn Thái Cúc Hương - người vì đam mê nên gần như bỏ cả nghề giáo viên dạy tiếng Anh để có những sản phẩm đầy tính sáng tạo từ giấy dó, đặc biệt là các loại đèn xứng đáng được coi là tác phẩm nghệ thuật.
Những “vườn hoa” dó
Trong xưởng làm đồ thủ công trên phố Đông Tác (quận Đống Đa, Hà Nội), Đoàn Thái Cúc Hương vừa mới hoàn thiện một chiếc đèn trang trí. Nếu nhìn từ xa, chiếc đèn không có nhiều khác biệt so với vô số loại đèn trang trí trên thị trường. Nhưng khi đến gần, đó là cả một tác phẩm nghệ thuật. Chụp đèn được bao quanh toàn là sen, khi thắp đèn lên, có cảm giác như chiếc đèn là một đầm sen thu nhỏ. Toàn bộ “đầm sen” ấy được tạo hình bằng phương pháp trổ giấy thủ công, chất liệu làm chụp đèn lẫn sen là giấy dó.
Hương không nhớ nổi từ lúc nảy ra ý tưởng trang trí chụp đèn bằng hoa sen trổ giấy, mình đã mất bao nhiêu thời gian. Thông thường, sau khi lên ý tưởng, người ta sẽ dựng bằng máy cho đỡ tốn công sức. Riêng cô dựng và hoàn thiện tác phẩm trong đầu, sau đó, vẽ ra rồi trổ. “Đầm sen” của Hương đa dạng về sắc thái, những bông sen hàm tiếu bên những bông sen mãn khai, những chiếc lá xòe rộng xen những chiếc lá nhú và cả những bông sen bắt đầu rã cánh, còn đài sen đang vươn lên kết hạt... Không có sự trùng lặp của bông sen hay chiếc lá nào.
Bộ sưu tập đèn giấy dó của Đoàn Thái Cúc Hương hoàn toàn là những tác phẩm độc bản. Ngay bên cạnh “đầm sen” là những chiếc đèn mang cả vườn hoa trong nó. Để làm những chiếc “đèn hoa”, trước tiên, Hương tự tay sưu tầm các loại hoa, ép khô, sau đó đưa lên chụp đèn. Để bảo đảm độ bền của sản phẩm, Hương học qua một lớp chuyên về nghệ thuật làm hoa khô.
Những chiếc đèn có sự sắp đặt hài hòa giữa hoa sử quân tử, hoa sài đất, hoa xuyến chi... hay bất cứ bông hoa, chiếc lá nào mà cô thấy phù hợp. Mỗi chiếc chụp đèn đều do Hương tỉ mẩn thiết kế, sắp đặt. Bộ sưu tập đèn của Hương ngày một lớn lên. Nhiều khi khách hàng nằng nặc đòi mua bằng được, nhưng Hương không muốn bán. Bởi một lý do mà nhiều người cho là “vớ vẩn”, vì tác giả “cảm thấy” khách hàng chưa cảm nhận được cái hay của chiếc đèn, lỡ mua về, người ta ứng xử với nó không hay... Thực ra, cái lý do ấy có thể “vớ vẩn” với nhiều người, nhưng nếu từng chứng kiến Hương say mê, tỉ mẩn với công việc thế nào, người ta sẽ cảm thông với nỗi lo xa của cô.
Các loại đèn chỉ là một trong nhiều dòng sản phẩm của Đoàn Thái Cúc Hương. Mà tất cả đều được làm từ giấy dó.
Tìm lối đi riêng
Đoàn Thái Cúc Hương vốn là một giáo viên tiếng Anh. Sinh ra, lớn lên trong một gia đình làm nghề chạm gỗ mỹ nghệ, Hương luôn dành sự quan tâm đến cái đẹp. Một lần, khi đi học làm hoa khô, Hương tình cờ được cầm một tờ giấy dó. “Ồ, sao lại có loại giấy đẹp như thế này được?”, Hương thốt lên như thế.
Cái tờ giấy ram ráp, có màu trầm và những đường vân lạ mắt, rất hợp để dùng trang trí mỹ thuật. Sau này, có quãng thời gian Hương làm việc cho một doanh nghiệp về giấy dó. Sau khi ngừng làm việc tại đây, tưởng rằng cô quay về với nghề “tay phải” là dạy tiếng Anh, thì duyên nghiệp lại đưa cô trở lại với giấy dó. Thế là hành trình với dó bắt đầu...
Khi Hương khởi nghiệp với giấy dó, trên thị trường có không ít người sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ bằng giấy dó. Hương phải tìm lối đi riêng cho mình. Không học chuyên về mỹ thuật, chính việc gia đình làm đồ mỹ nghệ lâu năm đã giúp cô rất nhiều. Việc quan sát công việc của gia đình từ nhỏ khiến Hương có năng khiếu vẽ và thiết kế sản phẩm. Đôi khi, Hương có cảm giác như các thiết kế cứ “chạy” từ trong đầu ra. Dẫu vậy, cô phải học hỏi nhiều hơn những gì mình mường tượng ban đầu. Đơn giản như việc tạo độ bền cho sản phẩm, với giấy dó thì phải thực hiện công đoạn bồi. Kế đó, phải nghiên cứu về những phong cách, trường phái mỹ thuật Đông - Tây... Từ kiến thức đó, các dòng sản phẩm lần lượt ra đời, nhiều nhất là các loại đèn, sổ, lịch, quạt... hay những đồ trang trí nhỏ xinh khác.
Đoàn Thái Cúc Hương mê văn hóa phương Tây. Nhưng vốn sinh ra trong một gia đình làm gỗ mỹ nghệ, đường nét hoa văn mang phong cách trang trí truyền thống “ngấm” vào Hương một cách tự nhiên. Và vì thế, bên cạnh những sản phẩm "rất Tây”, Hương luôn chú ý đến dòng sản phẩm truyền thống. Những ngày này, Hương khá bận bịu với những chiếc đèn kéo quân. Tuổi thơ của Hương chưa bao giờ biết đến đèn kéo quân. Mãi sau này, Hương mới biết và “tiếc” cho tuổi thơ của mình. Hương nghĩ đến việc đem được nét đẹp của đèn kéo quân đến cho bọn trẻ hôm nay. Song, cô hướng đến mục tiêu cao hơn. Đèn kéo quân là một sản phẩm thủ công truyền thống và cô muốn gửi gắm vào đó nhiều thông điệp về văn hóa.
Đèn kéo quân gồm các “quân” (nhân vật) ở bên trong, được thiết kế để khi đốt nến, hơi nóng khiến cánh quạt quay, kéo theo các nhân vật quay vòng tròn, in hình lên nền giấy bao quanh đèn. Hương chọn những chủ đề tranh dân gian Đông Hồ như "Vinh quy bái tổ", "Thầy đồ cóc"... gắn với câu chuyện về ý chí học hành; hay bức "Đám cưới chuột" là câu chuyện thâm thúy về xã hội. Phần trang trí bên ngoài đèn được Đoàn Thái Cúc Hương “đầu tư” nhiều công sức nhất. Nhận thấy chất liệu giấy dó rất hợp với tranh khắc gỗ, Hương quyết định tự làm các bản khắc gỗ để in trang trí trên đèn. Phần chân đèn được cô trang trí bằng họa tiết lấy từ chân những chiếc trường kỷ, phần vành đèn trên cùng, được trang trí mây và trăng, cũng khai thác từ hoa văn truyền thống. Phần lồng đèn kỳ công nhất, phải mất hai tuần ròng rã Hương mới làm được một bản khắc gỗ về hoa sen ưng ý. Khi thắp đèn lên, cùng lúc người ta cảm nhận được nét đẹp tranh khắc gỗ, nét đẹp của giấy dó... Ngay cả với chiếc đèn đơn giản như đèn cù (đèn ông sư), Hương cũng rất cầu kỳ, sử dụng giấy dó, in các hoa văn, họa tiết.
Góp phần hồi sinh giấy dó
Giấy dó Kẻ Bưởi đã thất truyền từ lâu. Khoảng hơn 20 năm trước, ngay cả trung tâm sản xuất giấy dó lớn là làng Dương Ổ (nay thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cũng đứng trước nguy cơ mai một. Nguyên nhân chính bởi xã hội ngày càng ít nhu cầu. Xưa, giấy dó dùng để viết sách, đề thơ. Xã hội hiện đại, có nhiều loại giấy công nghiệp. Nhưng, cùng với quá trình khôi phục giá trị văn hóa truyền thống, giấy dó được hồi sinh. Đặc biệt, trong sự hồi sinh đó, không thể không nói đến sự sáng tạo của các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà thiết kế trong ứng dụng giấy dó vào sản phẩm của mình, hoặc dùng giấy dó làm chất liệu chính cho sáng tác mỹ thuật. Trong dòng chảy ấy, cái tên Đoàn Thái Cúc Hương còn khá mới mẻ, nhưng đang từng bước để lại dấu ấn riêng.
Đoàn Thái Cúc Hương đang “biến hình” nhà xưởng của mình ở phố Đông Tác thành một không gian sáng tạo. Ở đó, bên cạnh giới thiệu những câu chuyện giấy dó, các sản phẩm từ giấy dó, các vị khách còn được tự tay làm đồ handmade bằng giấy dó, vẽ tranh bằng giấy dó... Cô tin rằng, hoạt động của mình không chỉ thỏa mãn đam mê, sáng tạo, mà còn như một nét bút mảnh góp phần lan tỏa bức tranh chung về vẻ đẹp của giấy dó đến cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.