Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng ngời đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Chí Kiên| 25/07/2022 06:48

(HNM) - Sáng ngời đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” Với đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, trong suốt 75 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã luôn quan tâm, chăm lo, làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đạo lý, truyền thống tốt đẹp ấy luôn sáng ngời trong tâm trí mỗi người, là trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng với những người đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng quang vinh của Tổ quốc, của dân tộc ta.

Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Đảng và Bác Hồ, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Hôm nay, dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng sự mất mát ấy vẫn hằng ngày hiện hữu... Thế nhưng, hơn tất cả, máu đào của các anh, các chị đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để hôm nay đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do, nhân dân được sống trong ấm no, hạnh phúc.

Tri ân, tôn vinh những công lao to lớn ấy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Nhờ vậy, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi không ngừng được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, nâng cao thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đến nay, có hơn 9,2 triệu người có công được hưởng chính sách ưu đãi; hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang được phụng dưỡng. Mức sống của gia đình người có công được bảo đảm bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.

Ý nghĩa hơn, toàn dân đã tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”… Trong 5 năm gần đây (2016-2021), Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của trung ương và địa phương đã vận động được hơn 6.000 tỷ đồng; phong trào tặng sổ tiết kiệm đạt hơn 70.000 sổ với tổng kinh phí hơn 120 tỷ đồng; xây dựng mới gần 43.700 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 28.500 nhà tình nghĩa, tổng trị giá hơn 2.553 tỷ đồng…

Đặc biệt, nhất quán chủ trương: “Không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước”, việc xem xét, xác nhận người có công với cách mạng, nhất là đối với các hồ sơ không còn giấy tờ gốc và nhân chứng lịch sử, đã và đang tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, từ năm 2017 đến năm 2022, với cách làm thận trọng, chặt chẽ, công khai, minh bạch, các bộ, ngành, địa phương đã xem xét, giải quyết trên 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Những việc làm kịp thời, ý nghĩa với người có công là đạo lý tốt đẹp, thể hiện trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đối với thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do, hạnh phúc của đất nước.

Sự hy sinh cao cả đó mãi mãi được khắc ghi, trường tồn cùng non sông, đất nước, đồng thời nhắc nhở chúng ta phải có trách nhiệm hơn, trân quý hơn giá trị của hòa bình hôm nay. Trong phát biểu tại Lễ trao tặng Bằng Tổ quốc ghi công, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) tổ chức vào ngày

16-7-2022 ở thành phố Vinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh chủ trương nhất quán là: “Không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Quan tâm, chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước, là đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta.

Thế hệ hôm nay luôn luôn ghi lòng, tạc dạ sự hy sinh, cống hiến của thế cha anh. Bằng những việc làm, hành động cụ thể và thiết thực, chúng ta tích cực tham gia phong trào toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đây vừa là đạo lý, bổn phận, trách nhiệm, vừa là tình cảm, vinh dự của chúng ta để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 14-CT/TƯ ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 cùng các chủ trương, chính sách liên quan. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đề xuất, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật ưu đãi người có công phù hợp với sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong việc xác nhận hồ sơ tồn đọng trong thời gian qua, bảo đảm chặt chẽ, thấu lý, đạt tình để những người có công và gia đình thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

Thắp sáng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, chúng ta đời đời vinh danh, tri ân công ơn, sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng ngời đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.