(HNM) - Theo các chuyên gia y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 1 triệu trẻ em được sinh ra, nếu được sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh (SLSS) tốt sẽ phát hiện được khoảng 1.700 trẻ bị thalassememia (tan máu bẩm sinh) thể nặng, 1.400 trẻ bị bệnh down, 140 trẻ bị hội chứng ddwards... và nhiều bệnh khác.
Số trẻ được sàng lọc sơ sinh còn thấp
Trong số hơn 105.000 thai phụ được thực hiện siêu âm sàng lọc trước sinh ở 23 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội vào năm 2011, có 1.231 trường hợp phát hiện có nghi ngờ bất thường, 79 trường hợp phải đình chỉ thai nghén do chẩn đoán có dị tật không thể khắc phục được. Kết quả lấy mẫu máu gót chân SLSS hơn 24.000 mẫu cho thấy có 8 ca dương tính với bệnh suy giáp trạng bẩm sinh, hơn 1.000 ca dương tính với bệnh thiếu men G6PD... Các bệnh nhi có kết quả xét nghiệm dương tính đã được thông báo để các gia đình đưa trẻ về Bệnh viện Nhi trung ương khám chẩn đoán xác định và tư vấn điều trị.
Tỷ lệ trẻ được sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở nước ta còn rất thấp. Ảnh: Vân Nga
Theo bà Trần Thị Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn dịch vụ DS-KHHGĐ (Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội), việc triển khai các hoạt động tuyên truyền đã nâng cao nhận thức của người dân, ngày càng có nhiều người quan tâm và tìm đến các cơ sở sàng lọc trên địa bàn. Các kỹ thuật chẩn đoán trước sinh và SLSS đang từng bước làm giảm thiểu tỷ lệ dị tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, trong khi số phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh ở Hà Nội khá cao (105.000/123.546), thì số trẻ được lấy máu xét nghiệm SLSS còn ở mức khiêm tốn, với 24.079/115.145 trẻ. Ở một số quận, huyện như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Trì, tỷ lệ số trẻ được lấy máu xét nghiệm SLSS là 0%.
Theo bà Trần Thị Xuân, số kinh phí trung ương đầu tư cho hoạt động này là rất hạn chế (573 triệu đồng), kinh phí bổ sung từ nguồn thành phố cũng chậm, giai đoạn đầu thậm chí không đủ mẫu xét nghiệm cấp cho các bệnh viện. Một số bệnh viện còn thiếu sự quan tâm tới việc triển khai hoạt động sàng lọc trước sinh và SLSS, kiến thức, kỹ thuật chuyên môn về các hoạt động này của cán bộ y tế và đội ngũ tư vấn còn hạn chế. Công tác đào tạo chưa bảo đảm về số lượng, chất lượng cho nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, phương tiện trang thiết bị còn thiếu, do vậy cũng ảnh hưởng tới việc triển khai các kỹ thuật sàng lọc.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là do người dân chưa có được nhận thức tốt về các hoạt động này. Thai phụ chưa chủ động đi siêu âm hoặc siêu âm không đúng thời điểm, vì vậy việc phát hiện các dị tật bẩm sinh khó, có trường hợp phát hiện dị tật bẩm sinh khi đã đủ tháng. Việc vận động và lưu giữ sản phụ ở lại sau 24 giờ để lấy máu xét nghiệm SLSS cho trẻ tại các bệnh viện tuyến huyện gặp nhiều khó khăn do sản phụ sau khi đẻ thường xin xuất viện sớm hơn 24 giờ. Cũng có khi do tâm lý sợ trẻ bị đau khi lấy máu xét nghiệm nên nhiều gia đình chưa tự nguyện làm xét nghiệm cho trẻ hoặc còn thiếu hợp tác trong khi lấy máu.
Sẽ có trung tâm sàng lọc
Với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động sàng lọc trước sinh và SLSS nhằm từng bước kiểm soát, hạ thấp tỷ lệ dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục DS - KHHGĐ Hà Nội xây dựng đề án Sàng lọc trước sinh và SLSS giai đoạn 2012- 2015 và đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổng kinh phí dự kiến của đề án là trên 100 tỷ đồng, trong đó khoảng 70 tỷ đồng để xây dựng trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; 30 tỷ đồng còn lại chi cho các hoạt động truyền thông, đào tạo, tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế hoạt động trong lĩnh vực của đề án, đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ sàng lọc, chẩn đoán và quản lý, giám sát thực hiện đề án.
Trong năm 2012, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố triển khai ở 100% bệnh viện tuyến quận, huyện, bệnh viện thành phố và các xã có hoạt động cung cấp dịch vụ siêu âm sàng lọc trước sinh tại các cơ sở y tế. Việc lấy máu xét nghiệm cũng được triển khai tại 100% bệnh viện tuyến quận, huyện, một số bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn, bệnh viện thành phố và mở rộng thực hiện tại các trạm y tế xã, phường. Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2015, 90% số phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh được tuyên truyền tư vấn và được sàng lọc.
Để đạt những mục tiêu trên, ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết sẽ có những giải pháp cụ thể, đặc biệt là sẽ có sự phân công rõ ràng cho cán bộ khoa sản tại các bệnh viện về việc thực hiện lấy máu cho trẻ sơ sinh, coi việc sàng lọc là công việc hằng ngày của khoa và duy trì thành nền nếp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.