(HNMO) - Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 18h ngày 28-8 đến 6h ngày 29-8, nước ta không ghi nhận ca mắc mới Covid-19.
Như vậy, hiện tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 1.038 ca, trong đó có 689 ca lây nhiễm trong nước. Riêng số ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay là 549 ca.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nước ta đã điều trị khỏi cho 663 ca, ghi nhận 30 ca tử vong. Trong số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, 124 ca có kết quả âm tính từ 1-3 lần trở lên với vi rút SARS-CoV-2.
Hiện còn 15 trường hợp lâm sàng nặng trong tổng số bệnh nhân đang điều trị, trong đó số phải thở máy xâm nhập là 3 trường hợp, số phải chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo) là 3 trường hợp. Hầu hết số bệnh nhân nặng này đều là bệnh nhân lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng.
Về tiên lượng điều trị, 13 trường hợp được tiên lượng nặng và nguy kịch. Hiện Bệnh viện dã chiến Hoà Vang là nơi điều trị đông bệnh nhân Covid-19 nhất với 85 trường hợp; Bệnh viện Phổi Đà Nẵng có 78 trường hợp; Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam có 56 trường hợp...
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng ngày 28-8, tại Đà Nẵng đã xuất hiện ca tái dương tính đầu tiên sau khi khỏi bệnh, xuất viện. Trước đó, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Nội... cũng ghi nhận một số trường hợp tái dương tính sau khi xuất viện.
Về vấn đề này, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên thế giới và tại Việt Nam đã ghi nhận khá nhiều trường hợp tái dương tính (thường là dương tính "yếu") sau khi đã xuất viện.
Trên thế giới đã có báo cáo khả năng tái nhiễm SARS-CoV-2 ở 3 trường hợp bệnh nhân xét nghiệm dương tính sau 4-6 tháng xuất viện và cần được tiếp tục theo dõi để xác nhận vấn đề này.
PGS.TS Phan Trọng Lân cho biết, hiện chưa có bằng chứng về khả năng lây nhiễm của các trường hợp tái dương tính ở mẫu ngoáy họng sau hồi phục, chưa phân lập được vi rút sống trong mẫu, cho dù lúc đầu nhiễm các chủng có khả năng lây lan mạnh. Mặt khác, tất cả các trường hợp tiếp xúc và tiếp xúc gần với ca tái dương tính đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Các khảo sát tại Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh khi tiến hành xét nghiệm phân lập vi rút cũng cho thấy, những mẫu bệnh phẩm dương tính "yếu" đều không ghi nhận có vi rút sống sau nuôi cấy, nghĩa là không lây nhiễm hoặc khả năng lây nhiễm rất thấp.
"Với Covid-19, đến nay, sự hiểu biết về dịch bệnh này của giới chuyên môn vẫn chưa đầy đủ, đặc biệt liên quan đến đột biến gene của vi rút. Để bảo đảm hạn chế, loại bỏ mầm bệnh trong cộng đồng, trong giai đoạn hiện nay, đối với mỗi trường hợp tái dương tính đều cần được xử lý như một ca bệnh dương tính", PGS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.