Sáng 22-4, theo kế hoạch, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Dương Chí Dũng tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng - Ảnh: Doãn Tấn |
Dự kiến phiên xét xử kéo dài 3 ngày. Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Văn Sơn (thẩm phán Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội).
Phiên tòa có tất cả 16 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó 3 luật sư Trần Đình Triển, Ngô Ngọc Thủy và Trần Đại Thắng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) sẽ bào chữa cho Dương Chí Dũng.
Sáng 21-4, ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội, cho biết gia đình bị cáo Dương Chí Dũng đã đến cục này nộp 4,7 tỉ đồng tiền khắc phục hậu quả trong vụ án xảy ra tại Vinalines.
Gia đình bị cáo Mai Văn Phúc cũng đã nộp 3,5 tỉ đồng tiền khắc phục hậu quả. Theo luật sư Trần Đình Triển, đây là nỗ lực của gia đình các bị cáo nhằm mong muốn Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc được giảm nhẹ hình phạt tại phiên tòa phúc thẩm.
Tại phiên phúc thẩm, có 9 bị cáo bị đưa ra xét xử. Riêng bị cáo Bùi Thị Bích Loan, nguyên kế toán trưởng Vinalines, không kháng cáo. Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng gồm:
- Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT)
- Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines, nguyên phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT)
- Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines)
- Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines)
- Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines)
- Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm VN)
- Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa)
Trước đó, bản án sơ thẩm ngày 16-12-2013 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã kết án ông Dương Chí Dũng tử hình về hai tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng ra tòa và lãnh án với ông Dũng là chín người khác nguyên là cán bộ của Vinalines, Cục Đăng kiểm VN và Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa. Các bị cáo bị cáo buộc đã nhập khẩu ụ nổi 83M hư hỏng nặng, không có khả năng hoạt động được.
Việc làm này đã trái nguyên tắc, trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỉ đồng. Sau khi mua thành công ụ nổi 83M, Dương Chí Dũng và một số bị cáo khác chia nhau 1,666 triệu USD tiền “lại quả”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.