Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản xuất trứng gia cầm công nghệ cao

Bạch Thanh| 31/05/2017 07:03

(HNM) - Sau khi nghiên cứu thành tựu khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi gà đẻ trứng của Mỹ, Nhật Bản, Israel, Công ty cổ phần ĐTK vừa đưa vào vận hành giai đoạn 1 Nhà máy Sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.


Ông Khương Ngọc Khải, Giám đốc nhà máy cho biết: Sau khi hoàn thành giai đoạn 2 vào cuối năm 2017, nhà máy sẽ đạt công suất 175 triệu quả trứng/năm. Quy trình sản xuất của Nhà máy Trứng gà sạch ĐTK hoàn toàn tự động, khép kín, kiểm soát và cách ly tối đa với môi trường bên ngoài, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...

Tương tự, Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội cũng vừa khánh thành Nhà máy Xử lý và Chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, công suất xử lý 65.000 quả trứng/giờ. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân miền Bắc cho biết: Doanh nghiệp đang liên kết với hàng trăm trang trại chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Toàn bộ trứng gia cầm thu từ trang trại về đều được rửa, sấy khô, chiếu tia UV diệt khuẩn từ bên ngoài, đóng gói và bảo quản trong điều kiện nhiệt độ lý tưởng. Với quy trình này, trứng gia cầm được xử lý và diệt khuẩn đạt chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu...

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, ngành Nông nghiệp đang tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó doanh nghiệp được xem là đầu tàu dẫn dắt ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao giá trị sản xuất. Dù có nhiều lợi thế nhưng sản xuất trứng gia cầm ở Việt Nam mới chỉ một vài doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao, còn lại vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Do vậy, có tới 80% sản phẩm trứng gia cầm được tiêu thụ tươi, chưa qua xử lý.

Hiện tại, cả nước có 38 cơ sở nuôi gà đẻ trứng theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) với quy mô 21 triệu con/lứa. Bằng chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao, ngành Nông nghiệp kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi số cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP trong năm 2018. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tiếp tục khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như ĐKT, Dabaco, CP, Jaffa… đầu tư theo mô hình khép kín hình thành chuỗi từ khâu giống, vật tư đầu vào đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, cái khó đối với doanh nghiệp là người tiêu dùng trong nước chưa phân biệt được sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ cao. Mặt khác khi xuất khẩu trứng gia cầm do sự khác biệt và những quy định khắt khe về thú y, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam so với các quốc gia khác dẫn tới nhiều trở ngại. Thị trường trong nước lại chưa có quy chuẩn nào nhằm hướng dẫn, truyền thông cho người dân phân biệt sản phẩm trứng sạch.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Bản thân doanh nghiệp, chủ trang trại phải xác định, sản xuất trứng gia cầm xuất khẩu cũng như phục vụ thị trường trong nước thời gian tới đòi hỏi không chỉ chất lượng cao, an toàn sinh học, giá thành còn phải thấp. Do đó, phải đầu tư công nghệ cao, không nên đầu tư chắp vá, có sự liên doanh, liên kết theo chuỗi trên tất cả các khâu về giống, kỹ thuật, chế biến, tiêu thụ…

Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các đơn vị liên quan điều tra, rà soát các quy định về thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm… Từ đó hướng dẫn và đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về hàng rào kỹ thuật trong sản xuất, xuất khẩu trứng gia cầm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất trứng gia cầm công nghệ cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.