(HNNN) - Đưa diện tích cây ăn quả các loại lên hơn 80.000ha, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến nông sản, Sơn La được coi là “hiện tượng” của cả nước trong phát triển nông nghiệp. Đáng kể là việc Sơn La đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và giao cho người đứng đầu cấp ủy làm tổ trưởng tổ chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản...
Việc không của riêng nông dân
Đại dịch Covid-19 khiến cho việc sản xuất, chế biến, nhất là tiêu thụ nông sản của tỉnh Sơn La gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều sản phẩm không bán được, dẫn tới ứ đọng với số lượng lớn. Nông dân, các hợp tác xã loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm mà vẫn không có giải pháp hữu hiệu. Ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La thông tin: Trước tình hình trên, ngoài chỉ đạo thực hiện quyết liệt biện pháp phòng, chống dịch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành văn bản hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch”. Theo đó, từ năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các Huyện ủy, Thành ủy tập trung chỉ đạo, triển khai kế hoạch tiêu thụ, chế biến nông sản trên địa bàn cho người dân và các hợp tác xã.
Cùng với giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La còn chủ trương giao Thường trực Huyện ủy, Thành ủy bám sát tình hình sản xuất nông sản của từng địa bàn để có kế hoạch tiêu thụ nông sản phù hợp, hiệu quả; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc để có hướng giải quyết phù hợp. Tỉnh ủy giao cho các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thành ủy làm Tổ trưởng Tổ chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của huyện, thành phố.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt nói trên cùng với việc phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí đứng đầu cấp ủy tại các địa phương, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản tại Sơn La đã được triển khai rất hiệu quả. Nhiều sản phẩm cây ăn quả như bơ, chanh leo, thanh long, xoài ghép, nhãn ghép... vẫn xuất khẩu ổn định, cho thu nhập từ 200 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Ông Tòng Thế Anh, Bí thư Huyện ủy Yên Châu nói: Từ chủ trương của Tỉnh ủy, huyện đã thành lập Tổ công tác liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản do Bí thư Huyện ủy làm Tổ trưởng và Chủ tịch UBND huyện làm Tổ phó, có sự tham gia của các thành viên là đại diện các ban, ngành liên quan. Tổ công tác thường xuyên khảo sát các vùng trồng để xây dựng phương án tiêu thụ; vận động cán bộ, công chức, viên chức thông qua các mối quan hệ, mạng xã hội để quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Đồng thời, huyện phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước, chủ yếu là Hà Nội, để đưa sản phẩm nông sản thế mạnh của huyện như xoài, chuối... vào các siêu thị lớn. Cùng với đó, huyện Yên Châu còn cử cán bộ theo dõi, huy động nhân lực giúp bà con thu hái; khuyến khích và tạo điều kiện cho thương lái từ nơi khác đến thu mua tại vườn, hỗ trợ thương lái về bao bì, đóng gói sản phẩm hay tổ chức thu mua hàng trăm tấn nông sản để ủng hộ cho tuyến đầu phòng, chống dịch tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...
Cách làm hiệu quả
Nhìn lại hơn 5 năm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả của tỉnh Sơn La, mặc dù chưa đạt được con số 100.000ha vào năm 2020 nhưng những cố gắng của tỉnh đã tạo nên “hiện tượng nông nghiệp Sơn La” khi diện tích cây ăn quả và việc tiêu thụ, xuất khẩu nông sản đều được triển khai hiệu quả. Hiệu quả kinh tế góp phần tạo nên hiệu quả xã hội tích cực: Giải quyết việc làm, thu nhập cho người nông dân thông qua việc thu hút các nhà máy chế biến quả; phát triển hợp tác xã sản xuất, chế biến quả, giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động. Hiệu quả về môi trường cũng thấy rõ, những vạt nương đã xanh lại, diện tích trồng cây ăn quả giúp ngăn xói mòn, hạn chế bạc màu đất, tạo tính đa dạng sinh học. Quan trọng hơn là sản phẩm nông sản của Sơn La đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Trao đổi thêm về chủ trương của Tỉnh ủy Sơn La, ông Nguyễn Việt Cường, Bí thư Huyện ủy Mai Sơn khẳng định: “Việc thực hiện chủ trương người đứng đầu cấp ủy chỉ đạo và thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ là chỉ đạo sản xuất và chủ động kết nối tiêu thụ sản phẩm thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy và chính quyền đối với việc sản xuất và nâng cao đời sống của bà con nông dân. Chủ trương đó đã tạo sự đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thông qua đó, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên cũng như người trực tiếp sản xuất đã được nâng lên, không ai coi đó là trách nhiệm riêng của một người. Như tại huyện chúng tôi, ngoài việc liên kết tiêu thụ với các tỉnh trong cả nước hay tìm đường xuất khẩu cho một số sản phẩm thế mạnh, huyện còn làm việc với các đơn vị có hệ thống tiêu thụ lớn ở Hà Nội để giúp người nông dân đưa hàng ngàn tấn nông sản ra thị trường thay vì bị ứ đọng như trước đây”.
Được biết, trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Sơn La đã chủ động xây dựng kế hoạch tiêu thụ trước thời điểm thu hoạch nông sản. Tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến về tiêu thụ nông sản như xoài, nhãn..., qua đó kết nối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 10 tỉnh, thành phố; đưa ra được phương án lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh với nhau và tại các tỉnh có cửa khẩu. Gần đây nhất, tỉnh Sơn La thành lập đoàn công tác làm việc với Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp WinCommerce tại thành phố Hà Nội về hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá và đưa sản phẩm nông sản an toàn của Sơn La vào hệ thống WinMart/WinMart+ toàn quốc...
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, thông tin thêm: Trước thách thức do tác động của dịch Covid-19, tỉnh Sơn La đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đã phát huy tốt vai trò của người đứng đầu địa phương trong chỉ đạo hỗ trợ nông dân từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Đến thời điểm này, hàng trăm nghìn tấn nông sản đã được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến, quảng bá, giới thiệu và liên kết để sản phẩm nông sản của Sơn La có mặt tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là tại hệ thống siêu thị WinMart/WinMart+ trong cả nước...
Câu chuyện cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng hành cùng người dân tiêu thụ nông sản ở Sơn La đã và đang tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ngành Nông nghiệp, củng cố niềm tin của người dân. Điều đó không chỉ góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch hiệu quả” mà còn thể hiện rõ vai trò quan trọng của cấp ủy, chính quyền trong những việc khó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.