(HNM) - Để từng bước nâng cao điều kiện hoạt động của các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương triển khai đánh giá kết quả xếp loại các cơ sở theo Thông tư 14/TT-BNNPTNT.
Sau gần 2 năm triển khai, qua kiểm tra đánh giá cho thấy, tỷ lệ cơ sở xếp loại C chiếm số lượng lớn với cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu, không bảo đảm yêu cầu.
Hiện nay, vẫn còn nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản có trang thiết bị sản xuất lạc hậu. |
Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong quý I-2014 kết quả kiểm tra, đánh giá các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản về an toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy mức độ vi phạm gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản được kiểm tra, đánh giá phân loại lần đầu xếp loại A, B chỉ đạt 72,3%. Đặc biệt, kết quả tái kiểm tra cơ sở xếp loại C trước đây cho thấy có đến 100% cơ sở sơ chế, chế biến rau, củ, quả vẫn xếp loại C và 62,5% cơ sở sơ chế, chế biến cây công nghiệp vẫn xếp loại C; tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2013. Đối với cơ sở sơ chế, chế biến động vật, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh được kiểm tra đánh giá lần đầu xếp loại A, B là 71%; tổ chức tái kiểm tra các cơ sở loại C vẫn còn 85,71%, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm trước. Đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh thủy sản, tỷ lệ được kiểm tra đánh giá lần đầu xếp loại A, B là 65%; tái kiểm tra các cơ sở loại C vẫn còn đến 96,4%, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, Cục cũng đã tổ chức kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm lần đầu tại 5 cơ sở sản xuất - kinh doanh các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, đã phát hiện một cơ sở không đạt yêu cầu.
Tại Hà Nội, toàn thành phố có 733 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản và kinh doanh vật tư nông nghiệp do thành phố quản lý. Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra được 583 cơ sở, trong đó cơ sở xếp loại A chiếm 13%; cơ sở xếp loại B là 7%, cơ sở xếp loại C vẫn chiếm 11%. Đặc biệt, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở thuộc cấp quận, huyện quản lý còn yếu kém hơn. Kết quả kiểm tra, đánh giá phân loại 1.486/11.076 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản và kinh doanh vật tư nông nghiệp do cấp quận, huyện quản lý cho thấy, chỉ có 4% cơ sở được kiểm tra xếp loại A, 12% cơ sở xếp loại B, số cơ sở xếp loại C chiếm tới 84%. Theo ông Trần Mạnh Giang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, hầu hết các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản không đạt yêu cầu do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật như xưởng, máy móc… phục vụ sản xuất lạc hậu, điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, sự vào cuộc của các cấp chính quyền cơ sở chưa quyết liệt, thiếu chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên để xử lý vi phạm.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, dự kiến thời gian tới Cục sẽ trình Bộ NN&PTNT phê duyệt chương trình thí điểm việc công khai kết quả xếp loại A, B, C tại cơ sở sản xuất, kinh doanh và cấp giấy chứng nhận sản phẩm được sản xuất, kinh doanh theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn với mục đích để người tiêu dùng biết và tẩy chay những cơ sở sản xuất không đạt yêu cầu. Các đơn vị của Bộ cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc tái kiểm tra những cơ sở xếp loại C, nếu đã nhắc nhở mà không khắc phục những khuyết điểm cần thu hồi giấy phép kinh doanh để răn đe, không để ảnh hưởng tới những cơ sở làm ăn chân chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.