(HNM) - Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2019 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, diễn ra vào đầu tháng 12-2019, sẽ quy tụ nhiều dự án đã đạt giải cao tại các cuộc thi khu vực. Trong đó, dự án Giấy dừa Bến tre, giải Nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thu hút được nhiều chú ý của cộng đồng khởi nghiệp không chỉ bởi tính sáng tạo, kinh tế mà còn bởi tính thân thiện với môi trường.
Nhiều sản phẩm tiềm năng từ cây dừa
Thời gian gần đây, các sản phẩm khởi nghiệp từ cây dừa xuất hiện ngày càng nhiều như gáo dừa trồng lan, vỏ dừa trồng lan, dừa cảnh để bàn, son môi dừa, vỏ son môi từ gỗ dừa, nón xơ dừa, đất sạch từ mụn dừa, gạch viên gáo dừa…
Cùng với cộng đồng khởi nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành dừa không ngừng nghiên cứu, cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật để liên tục cho ra thị trường nhiều sản phẩm mới ưu việt hơn, mang lại giá trị cao hơn cho cây dừa. Bên cạnh đó các doanh nghiệp đã hướng tới sự phát triển xanh, sạch và bền vững với những sản phẩm như giấy dừa thấm dầu, ống hút dừa, nước dừa đóng hộp, sữa dừa đóng hộp, sữa dừa organic…
Tại Chợ Công nghệ - thiết bị và Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2019 (Techmart - Techfest Mekong 2019), trong số 5 giải thưởng cao nhất dành cho các dự án khởi nghiệp, có 2 dự án liên quan tới việc sử dụng các nguyên liệu từ cây dừa.
Đó là giải Nhất cho dự án "Giấy dừa Bến Tre" của Công ty TNHH Escoco Việt Nam và giải Ba dành cho dự án “Kỹ thuật sản xuất ống hút bằng nước dừa” của Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long. Các dự án được lựa chọn dựa trên các tiêu chí quan trọng nhất là tính sáng tạo, tính xã hội, có khả năng thương mại hóa trên thị trường…
Giấy dừa là loại giấy sản xuất từ bẹ của cây dừa, tận dụng từ những tàu dừa người dân chặt tỉa khỏi cây. Thông thường chỉ có phần lá của tàu dừa được bà con dùng để bó chổi, còn phần bẹ dừa thường chỉ làm củi đốt. Từ phần bẹ dừa này, anh Huỳnh Văn Cường, Công ty TNHH Escoco, đã nghiên cứu sản xuất ra giấy dừa.
Theo đánh giá của ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, các sản phẩm giấy dừa và ống hút dừa có ưu điểm nổi trội là có nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn và thân thiện môi trường, có tính ứng dụng kỹ thuật công nghệ sinh học để tạo ra sản phẩm mới, đem lại giá trị mới cho cây dừa, góp phần nâng cao chuỗi giá trị cây dừa trong quá trình hội nhập và phát triển.
Những lợi ích không ngờ
Ý tưởng sản xuất giấy từ nguyên liệu rất dồi dào của địa phương là cây dừa đã đến với anh Huỳnh Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Escoco từ vài năm trước và đã mang lại những lợi ích không ngờ. Ngay sau khi có ý tưởng, anh Huỳnh Văn Cường đã nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ việc sản xuất giấy ở các nơi khác, với nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau. Sau khi nghiên cứu kỹ, anh khẳng định mình có thể sản xuất ra một loại giấy bắt nguồn từ phụ phẩm của cây dừa, là bẹ dừa từ các tàu lá dừa.
Giấy dừa được sản xuất qua nhiều công đoạn: Bẹ dừa mang về được cắt thành từng đoạn ngắn, gọt hết phần vỏ xanh để lấy phần lõi màu trắng, sau đó được nghiền thành bột, ngâm trong nước để sơ chế cho tơi ra. Cuối cùng người thợ múc bột xơ dừa cho lên khuôn, trải đều, rồi phơi nắng cho khô lại, thành giấy dừa.
Những tàu dừa do người dân chặt tỉa ra được anh Huỳnh Văn Cường thu mua với giá 2.000 đồng/kg. Ước tính, với 10kg thân tàu dừa nguyên liệu, sẽ lấy được hơn 1kg sợi cellulose để tạo ra khoảng 1m2 giấy dừa. Hiện loại giấy dừa có chất lượng cao đang được bán ra thị trường với giá khoảng 350.000 đồng/m2. Giấy dừa với đặc tính xuyên sáng, thường được dùng trong lĩnh vực mỹ thuật, làm giấy 3D, làm hoa giấy, bao bì thực phẩm, trang trí nội thất, tranh nghệ thuật, thư pháp…
Hiện nay, từ loại giấy này, anh Huỳnh Văn Cường đã sản xuất thành công loại tranh giấy dừa với kỹ thuật vẽ dùng áp lực nước lên giấy. Trên các bức tranh này, đường nét hoa văn hoàn toàn tạo bằng các xớ xơ dừa với độ dày, mỏng khác nhau, tạo nên do áp lực nước, không hề có chất kết dính hay một loại màu, mực nào vẽ lên. Nếu được bảo quản đúng cách, giấy dừa có độ bền rất cao. Ngoài ra, giấy dừa được làm hoàn toàn từ thiên nhiên nên có thể phân hủy nhanh trong môi trường tự nhiên, không gây hại đến sức khỏe.
Đáng lưu ý, không chỉ với cây dừa cạn, giấy dừa có thể được sản xuất từ phần thân của tàu dừa nước mà người dân thường cắt tỉa, bỏ đi trên các bờ kênh rạch. Việc thu mua những tàu dừa nước sẽ tạo thêm thu nhập cho những người dân trồng cây dừa nước để tránh sạt lở, giữ đất canh tác ven sông. Cây dừa nước cũng là loại cây thích nghi tốt với biến đổi khí hậu vì sinh trưởng tốt trong môi trường nước bị xâm nhập mặn.
Trong tương lai, anh Huỳnh Văn Cường cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu khai thác ưu điểm thân thiện môi trường của giấy để làm ra nhiều sản phẩm khác nhau như giỏ, hộp đựng quà, đựng các sản phẩm dừa, quà tặng, đĩa, tô đựng thức ăn khô sử dụng một lần thay thế các loại sản phẩm bằng nhựa…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.