Kinh tế

Sản xuất công nghiệp phục hồi 98,8%

Lam Giang 07/07/2023 13:41

Một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước đã khôi phục đà tăng trưởng như: Thái Nguyên tăng 4,1%; Quảng Ninh tăng 7,4%; Bắc Giang tăng 15,7%, Hải Phòng tăng 12,3%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,9%, Bình Dương tăng 2,6%...

7.7-1-so-ket-bct(1).jpg

Sáng 7-7, tại Hà Nội, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Công Thương cho biết: Sản xuất công nghiệp cả nước đã phục hồi 98,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 48/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng.

Một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước đã khôi phục đà tăng trưởng như: Thái Nguyên tăng 4,1%; Quảng Ninh tăng 7,4%; Bắc Giang tăng 15,7%, Hải Phòng tăng 12,3%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,9%, Bình Dương tăng 2,6%...

6 tháng năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,090 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022; than thương phẩm sản xuất khoảng 30,23 triệu tấn, đạt 52,23% kế hoạch năm, tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2022…

xk-gao.jpeg
Xuất khẩu gạo là điểm sáng trong 6 tháng đầu năm.

Kim ngạch xuất khẩu cả nước cơ bản giữ được đà tăng và sau 6 tháng ước đạt 164,45 tỷ USD, đã phục hồi 87,9% so với cùng kỳ năm 2022. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ, chiếm 26,9%; tiếp đến là Trung Quốc đạt 25,6 tỷ USD, chiếm 15,6%; thị trường EU đạt 21,6 tỷ USD, chiếm 13,1%; thị trường ASEAN đạt 16,3 tỷ USD, chiếm 9,9%...

Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức cao, đạt 12,25 tỷ USD.

Thị trường trong nước cũng phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm tăng 10,9% so với cùng kỳ).

Doanh thu thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

Tuy nhiên, ngành Công Thương cũng nhìn nhận những hạn chế của mình 6 tháng qua như: Sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu chung đều giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp trong nước. Xuất khẩu sang các khu vực, thị trường lớn và kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều giảm…

Việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn, phải thực hiện điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở một số địa bàn vào thời điểm nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Trong bối cảnh tình hình 6 tháng cuối năm còn diễn biến phức tạp, thuận lợi và khó khăn đan xen, ngành Công Thương sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn và an sinh xã hội trong tình hình mới.

Mặt khác, ngành đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, than, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...

Bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng; bảo đảm cung ứng, phân phối xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân.

Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tìm đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất công nghiệp phục hồi 98,8%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.