Thị trường

Xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ

Lam Giang 04/07/2023 - 16:19

Đánh giá về tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương hôm nay (4-7) thông tin, một số thị trường xuất khẩu phục hồi khả quan về gần mức cùng kỳ năm trước như Ấn Độ (95,7%), Nhật Bản (96,7%), Trung Quốc (97,8%).

xk-gao.jpeg
Xuất khẩu gạo là điểm sáng trong 6 tháng qua. 

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cơ bản giữ được đà tăng và sau 6 tháng ước đạt 164,45 tỷ USD, phục hồi 87,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ giảm kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước) chậm hơn so với khu vực có vốn FDI (giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước). Điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

Đáng lưu ý, xuất khẩu rau quả và gạo là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong 6 tháng qua khi đạt mức tăng hai con số. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái (sản lượng gạo xuất khẩu tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái); xuất khẩu rau quả tăng 64,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm, có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (giảm 2 mặt hàng so với cùng kỳ), chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nửa đầu năm 2023 với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD, chiếm 26,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 25,6 tỷ USD, chiếm 15,6%; thị trường EU đạt 21,6 tỷ USD, chiếm 13,1%; thị trường ASEAN đạt 16,3 tỷ USD, chiếm 9,9%; Nhật Bản đạt 11 tỷ USD, chiếm 6,7%; Hàn Quốc đạt 10,9 tỷ USD, chiếm 6,6%.

Nổi bật, một số thị trường xuất khẩu phục hồi khả quan về gần mức cùng kỳ năm trước như Ấn Độ (95,7%), Nhật Bản (96,7%), Trung Quốc (97,8%). Một số thị trường mới ghi nhận tăng trưởng cao như Argentina (tăng 35% so với cùng kỳ), Saudi Arabia (tăng 67%), Angeria (tăng 91%).

Về nhập khẩu, nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu chiếm 88,1%; nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát chỉ chiếm 6,2%.

Kim ngạch nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm giảm 18,2% so với cùng kỳ do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu thế giới giảm nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất để xuất khẩu giảm.

Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng chủ lực đều giảm như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 38,27 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 12,3%, đạt 19,7 tỷ USD; vải các loại giảm 19,2%, đạt 6,4 tỷ USD; thép các loại giảm 32,3%; xăng dầu các loại giảm 18,4%......

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50,09 tỷ USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc, ước đạt 24,2 tỷ USD, giảm 25,6%; thị trường ASEAN ước đạt 20,3 tỷ USD, giảm 16,9%; Nhật Bản đạt 9,8 tỷ USD, giảm 18,7%; EU đạt 7,06 tỷ USD, giảm 10,7%; Hoa Kỳ đạt 7 tỷ USD, giảm 7,3%.

Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức cao, đạt 12,25 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.