(HNMO) -Vn-Index lên điểm ở hai đợt khớp lệnh đầu nhưng sau đó đảo chiều giảm nhẹ vào cuối phiên do một số cổ phiếu có mức vốn hóa lớn giảm giá, đưa chuỗi ngày đi xuống lên con số 5. Nhà đầu tư vẫn thờ ờ với thị trường, vì vậy khiến khối lượng giao dịch tiếp tục ở mức thấp.
Trước giờ mở cửa phiên cuối cùng của tuần (12/8), thị trường trong nước đón nhận thông tin tốt từ thị trường thế giới. Đó là lo ngại về khả năng lan rộng khủng hoảng nợ tại châu Âu dịu bớt sau khi có thông tin nhà lãnh đạo Pháp và Đức sẽ có cuộc họp vào tuần tới khiến nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào các cổ phiếu giảm mạnh trong phiên trước. Đóng cửa thị trường ngày 11/8 tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 423,37 điểm (+ 3,95%); chỉ số S&P 500 ghi 51,88 điểm (+4,63%); chỉ số Nasdaq bật 111,63 điểm (+4,69%). Trên thị trường châu Âu, các chỉ số chủ chốt cũng tăng mạnh: chỉ số DAX của Đức tăng 3,56%, chỉ số CAC 40 của Pháp ghi 2,89%, chỉ số FTSE 100 của Anh bật 3,11% .
Thông tin này đã tác động đến tâm lý nhà đầu từ trong nước ở hai đợt khớp lệnh đầu của phiên, nhờ đó, Vn-Index tăng lần lượt 0,72 điểm và 1,17 điểm. Tuy nhiên, đến đợt khớp lệnh cuối, sức cung với một số cổ phiếu có mức vốn hóa lớn gia tăng, Vn-Index đảo chiều hạ 0,52 điểm, tương đương 0,14%, xuống mức 383,92 điểm. Như vậy, trong 5 phiên của tuần, Vn-Index đều giảm, mất tổng cộng gần 17 điểm so với phiên cuối tuần trước.
Vn-Index và HNX-Index diễn biến trái chiều phiên cuối tuần. Ảnh minh họa |
Khác với một số phiên vừa qua, hôm nay, cổ phiếu tăng giá chiếm áp đảo. Thị trường ghi nhận 148 mã tăng giá, nhiều gấp hơn 2 lần số mã giảm giá (64 mã), số mã đứng giá khá nhiều trong phiên này: 76 mã.
Mặc dù cổ phiếu tăng giá chiếm áp đảo nhưng Vn-Index vẫn đi xuống bởi một số cổ phiếu chủ chốt bị bán ra nhiều: BVH giảm 1.000 đồng/cổ phiếu, HAG và HPG cùng mất 200 đồng/cổ phiếu, MSN hạ 2.000 đồng/cổ phiếu, OGC và PPC đều giảm 100 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, CTG, HDG, DPM, EIB, ITA, KBC, KDC, PVF tăng 100-500 đồng/cổ phiếu. DXG, FPT, GMD giữ giá tham chiếu. Nhà đầu tư đã chịu giải ngân vào cổ phiếu rẻ với mức giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu nhưng không quá ồ ạt. Vì vậy, sự tăng giá của các mã này chưa thể tác động nhiều đến thị trường.
Điều đáng lo ngại là thanh khoản tiếp tục ở mức thấp. Toàn thị trường chỉ có trên 20,104 triệu chứng khoán được chuyển nhượng, giá trị đạt 360,061 điểm. Điều này cho thấy nhà đầu tư tiếp tục thận trọng. Lượng cung cũng chững lại tiếp tục thăm dò, quan sát động tĩnh từ phía cầu.
Như vậy, trong những phiên vừa qua, thị trường trong nước theo sát diễn biến thị trường thế giới. Ở phiên này, ít nhất là trong 2/3 thời gian của phiên đã thể hiện điều đó. Hiện những yếu tố vĩ mô trong nước vẫn còn nhiều bất ổn trong khi diễn biến các chỉ số tài chính thế giới vẫn còn là ẩn số. Vì thế, xu hướng của thị trường trong nước phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường thế giới trong những phiên tới.
Tại sàn Hà Nội, nhiều cổ phiếu tăng giá nhưng chỉ tăng ở biên độ hẹp nên HNX-Index nhích nhẹ 0,2 điểm (+),3%, lên 66,02 điểm. Giao dịch cũng ở mức thấp với gần 20 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị là xấp xỉ 180 tỷ đồng.
Cùng chiều với sàn Tp.HCM, UPCoM-Index tạm dừng phiên buổi sáng ở mức 31,31 điểm, hạ 0,09 điểm (-0,29%). Toàn thị trường có 199.975 cổ phiếu được sang tay, giá trị là 2,486 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.