(HNM) - Chương Mỹ là huyện trọng điểm phòng, chống thiên tai của thành phố Hà Nội khi đối diện nguy cơ xảy ra 15 loại hình thiên tai lớn. Để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, huyện Chương Mỹ đã và đang triển khai nhiều giải pháp, sẵn sàng ứng phó tổ hợp thiên tai cực đoan; trong đó, đặc biệt chú trọng phương châm “4 tại chỗ”.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Học, trong 15 loại hình thiên tai có khả năng xảy ra trên địa bàn thì áp thấp nhiệt đới, bão, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ… là mối lo ngại lớn nhất. Trong khi đó, năng lực hệ thống công trình phòng, chống lũ, úng ngập của huyện rất hạn chế. Nhiều vị trí trên các tuyến đê tả Tích, tả Bùi, hữu Bùi bị lún sụt, không bảo đảm cao trình chống lũ theo thiết kế. Nhiều vị trí đập, tràn các hồ thủy lợi: Văn Sơn, Đồng Sương, Miễu xuất hiện tổ mối. Công trình thủy lợi hiện có chưa bảo đảm năng lực tiêu úng khi xảy ra những trận mưa cao hơn 250mm trong 3 ngày…
Để chủ động ứng phó, huyện Chương Mỹ đã đặt ra 5 tình huống thiên tai có khả năng xảy ra trên địa bàn; trong đó, tình huống cao nhất là khả năng chuyển lũ từ sông Hồng vào sông Đáy, xảy ra đồng thời tổ hợp thiên tai (mưa lớn nhiều ngày, lũ rừng ngang làm tràn đê, vỡ đập hồ…). Nếu xảy ra tình huống trên, 36.500 hộ dân của 32 xã, thị trấn sẽ bị ngập, phải sơ tán khoảng 149.300 người và hàng chục nghìn tấn lương thực, khoảng 187.860 gia súc và 4,178 triệu gia cầm đến nơi an toàn…
“Để ứng phó hiệu quả với tình huống trên, huyện Chương Mỹ đã hiệp đồng các đơn vị quân đội với 1.480 cán bộ, chiến sĩ và 36 phương tiện là xuồng máy, xe cứu thương, ô tô vận tải… để sẵn sàng ứng cứu. Bên cạnh đó, huyện yêu cầu các đơn vị, địa phương xây dựng phương án, kế hoạch bảo đảm an toàn công trình đê điều, đập hồ, chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết.
Chịu trách nhiệm bảo vệ hơn 10.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn đập, tràn 3 hồ thủy lợi lớn, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ Đỗ Việt Dũng thông tin, đơn vị đã phối hợp với Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam trong xử lý tổ mối tại các đập, tràn hồ thủy lợi; lập phương án bảo vệ từng đập hồ…
Trao đổi về công tác phòng, chống thiên tai của địa phương, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Hoàng Bá Phích cho biết, xã đang tập trung rà soát chất lượng công trình nhà ở của các hộ dân có nguy cơ xảy ra sự cố, bị ngập; đồng thời, tổ chức cho các hộ này đăng ký sơ tán tại các nhà kiên cố, cao tầng trên địa bàn... Bên cạnh đó, xã lựa chọn hơn 140 người biên chế thành 2 đại đội xung kích phòng, chống thiên tai; chuẩn bị cọc tre, bao tải, 500m3 đất đắp... sẵn sàng xử lý sự cố đê điều, đập hồ thủy lợi, sơ tán dân đến nơi ở an toàn.
Tương tự, 32 xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ đã chuẩn bị 2.250 cây tre, 1.500 phên nứa, 45.000 bao tải để chứa đất, cát, sỏi, 3.060m3 đất đắp, 12 máy xúc, 12 xe tải... sẵn sàng bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi. Người dân địa phương cũng được quán triệt tinh thần sẵn sàng tham gia bảo vệ an toàn đê điều, đập hồ thủy lợi, dự kiến mua sắm, tích trữ lương thực, nhiên liệu thắp sáng đề phòng ngập lụt dài ngày.
Chủ động về lực lượng, vật tư, phương tiện cùng sự tham gia tích cực của người dân, Chương Mỹ sẵn sàng ứng phó hiệu quả tổ hợp thiên tai có khả năng xảy ra trên địa bàn với mục tiêu cao nhất là không để tổn thất về người, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.