(HNMO) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 3 đang di chuyển vào khu vực phía Bắc của Vịnh Bắc Bộ.
Đến 16h ngày 2-8, bão số 3 áp sát bờ biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hải Phòng; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11. Khoảng tối 2-8, bão số 3 đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới…
Do ảnh hưởng của bão nên từ ngày 1-8 đến 4-8, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Bắc Bộ xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra gió giật mạnh. Đặc biệt, đợt mưa này có khả năng xảy ra liên tục và kéo dài; lượng mưa cả đợt tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam khoảng 120-200mm…
Ứng phó với bão số 3, ngày 1-8, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có Công điện 09/CĐ-TWPCTT yêu cầu các tỉnh, thành phố nằm trong khu vực bị ảnh hưởng rà soát, chủ động sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, sạt lở; triển khai phương án bảo vệ sản xuất, chống úng ngập, bảo vệ công trình đê điều, nhất là các đoạn đê bị sự cố, công trình đang thi công; bảo đảm an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố…
Thực hiện chỉ đạo trên, trong ngày 1-8, các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định… đã hướng dẫn cho 71.635 tàu thuyền, với 284.989 người hoạt động trên biển đến nơi trú tránh an toàn; đồng thời, lệnh cấm biển. Các tỉnh, thành phố nêu trên đã huy động 377.479 người và 2.347 phương tiện các loại (máy bay, tàu, ca nô, xuồng, ô tô…) sẵn sàng ứng phó các sự cố, thiên tai…
Tại Hà Nội, ngày 1-8, UBND thành phố có Công điện 11/CĐ-UBND yêu cầu các quận, huyện, thị xã, đơn vị và sở, ngành liên quan thường trực 24/24 giờ; theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 3, tình hình mưa lũ, úng ngập, sự cố thiên tai trên địa bàn; kiểm tra các trọng điểm, xung yếu, các công trình xây dựng (đặc biệt là các công trình đang thi công), hồ đập, công trình thủy lợi; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “3 sẵn sàng, 4 tại chỗ, 5 không”, chủ động chỉ đạo ứng phó kịp thời mọi diễn biến của bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai, bảo đảm an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.