Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẵn sàng trước thử thách mới

Vân Khanh| 01/01/2017 06:54

(HNM) - Đã có nhiều ý kiến cho rằng năm 2016 phải được xem như một cột mốc lịch sử trọng đại của nhân loại khi thế giới đã chứng kiến hàng loạt thay đổi bất ngờ làm đảo lộn những quy chuẩn cũ.


Quan điểm biệt lập về chính trị và bảo hộ về kinh tế có lẽ sẽ theo tỷ phú Donald Trump vào Nhà Trắng từ ngày 20-1 tới, thời điểm chính thức chuyển giao nhiệm vụ người đứng đầu nước Mỹ. Không nhiều người nghi ngờ về nhận định này khi nhà tài phiệt từng đứng áp chót trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ lại "cán đích" trên thế thượng phong với 63 triệu lá phiếu bầu. Khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” khiến ông chinh phục 57% cử tri da trắng, nếu được áp dụng, sẽ thay đổi cơ bản hình ảnh một nước Mỹ có vai trò quốc tế, thúc đẩy hợp tác đa phương và cổ súy cho hội nhập toàn cầu hiện nay. Sự khó đoán định về chính sách đối ngoại của Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tình hình thế giới trong năm nay tương tự như kết quả của các cuộc bầu cử sắp tới tại Châu Âu, một cường quốc kinh tế và cũng là nơi đang nếm trải sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Junker từng thừa nhận: “Tôi chưa bao giờ thấy khả năng chính phủ các nước thành viên bị các lực lượng dân túy làm cho yếu đi và bị tê liệt bởi nguy cơ thất bại trong các cuộc bầu cử sắp tới rõ rệt như hiện nay”. Bình luận của người đứng đầu EC đã phản ánh tâm trạng đầy âu lo khi đón năm mới 2017 của các nhà lãnh đạo Lục địa già khi mục tiêu liên kết, nhất thể hóa vốn được xem là nền tảng cũng như niềm tự hào của Châu Âu đang “nằm trong tay” các cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Hà Lan vào tháng 3, Pháp vào tháng 4 và tháng 5, Italia nhiều khả năng vào tháng 6 và Đức vào tháng 9. Trong bối cảnh các chính đảng cánh hữu thắng thế, tâm trạng hoài nghi Châu Âu được kích hoạt sau sự kiện Anh rời EU (Brexit) hồi tháng 6-2016 hoàn toàn có thể tạo ra những quân bài domino mới đẩy ngôi nhà chung vào tương lai bất định. Ngay cả trong trường hợp lý tưởng nhất là Châu Âu có thể chống lại sự xâm lăng của cánh hữu với kết quả hoàn hảo từ các cuộc bầu cử thì Cựu lục địa cũng sẽ rất vất vả để cứu vãn niềm tin từ dân chúng đang mệt mỏi với làn sóng nhập cư, lo lắng khi địa vị của họ bị thách thức ngay tại chính quốc và hoang mang trong bất ổn an ninh. Bằng vụ tấn công khu chợ Giáng sinh tại Đức hồi cuối năm, những kẻ cực đoan đã gửi đi cảnh báo u tối về việc khủng bố sẽ tiếp tục là mối đe dọa cực kỳ khó đối phó của Châu Âu. Bên cạnh thành công của chiến lược “bản địa hóa” những kẻ tấn công, sự bế tắc trong việc giải quyết vấn đề người di cư và nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận người tị nạn với Thổ Nhĩ Kỳ do mối quan hệ đang xấu đi giữa hai bên sẽ khiến Lục địa già còn tốn nhiều thời gian để khôi phục hình ảnh về một Châu Âu thanh bình và hoa lệ. Nhiệm vụ này càng thêm thử thách khi Thủ tướng Anh Theresa May sẽ khởi động quá trình đàm phán, chuẩn bị cho cuộc chia ly với EU vào tháng 3 tới. Là một trụ cột mạnh trong ngôi nhà 28 thành viên, Brexit chắc chắn sẽ gây ra những tác động không mong đợi cho nền kinh tế của Châu Âu vốn đã chịu nhiều thương tổn bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cơn bão nợ công.

Tuy nhiên, sự chia rẽ ở Lục địa già, phong trào bài ngoại và hướng nội lên cao tại cả Mỹ và Châu Âu đang mang đến những cơ hội vàng cho Nga trong việc bẻ gãy chuỗi liên kết bắt đầu lỏng lẻo của phương Tây để phá vỡ các lệnh trừng phạt, từ đó mở rộng ảnh hưởng ra ngoài biên giới. Cùng với mối quan hệ cá nhân được cho là sẽ thân thiện giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ D.Trump, hợp tác Nga - Mỹ thay cho đối đầu sẽ thay đổi đáng kể môi trường chính trị quốc tế và tác động đến việc giải quyết nhiều hồ sơ nóng, đặc biệt là cuộc chiến Syria. Với lập trường giảm can dự bên ngoài của ông D.Trump, Nga sẽ có nhiều không gian để củng cố lợi ích chiến lược ở Syria và làm tốt vai trò kiến tạo hòa bình tại Trung Đông.

Thế nhưng, trong khi trận chiến giữa tinh thần dân tộc khép kín và chủ nghĩa quốc tế cởi mở tạo ra những hụt hẫng trên bàn cờ thế giới, điều những nền kinh tế mới nổi như Nga và Trung Quốc có thể tận dụng để thực hiện giấc mơ siêu cường thì lại là cơn ác mộng của tự do thương mại. Những nghi ngờ về việc giảm bớt hàng rào thuế quan, thúc đẩy hợp tác quốc tế sẽ giải quyết các vấn đề của thế giới làm các thỏa thuận thương mại tự do đa phương bị mất động lực vào năm qua khó có cú lội ngược dòng trong năm nay. Điều này giống như thực tế rằng năm 2017 sẽ kế thừa những gì năm 2016 để lại. Vậy nên, trong dư âm của những biến cố đã định hình một thế giới không giống những chuẩn mực cũ, nhân loại bước vào một năm mới với nhiều trở ngại phía trước cho dù niềm tin vào công lý, hợp tác và hội nhập vẫn là nguồn sáng bất diệt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng trước thử thách mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.