Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẵn sàng triển khai chương trình, sách giáo khoa mới

Thống Nhất| 04/05/2023 06:20

(HNM) - Thời điểm này, bên cạnh việc tập trung hoàn thành năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2023-2024. Cùng với cả nước, đây là năm đầu tiên toàn ngành dạy học chương trình, sách giáo khoa mới cho học sinh lớp 4, 8 và 11. Với quy mô giáo dục lớn nhất trong các địa phương, Hà Nội quyết tâm bảo đảm đủ các điều kiện để triển khai hiệu quả chương trình mới ngay từ chặng đầu.

Giáo viên Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) tham khảo sách giáo khoa lớp 11 mới. Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều thách thức

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai ở 6 khối lớp, gồm: Lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10, trong đó có 3 khối lớp (lớp 3, 7 và 10) thực hiện ở năm đầu tiên. Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về cơ bản, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã giảng dạy chương trình, sách giáo khoa mới đáp ứng yêu cầu. Học sinh ở các nhà trường đang tiếp cận tốt với sách giáo khoa mới, phụ huynh học sinh yên tâm và đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, một trong những thách thức không nhỏ đối với ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hiện nay là quy mô học sinh liên tục tăng. Theo thống kê sơ bộ, số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh năm học 2023-2024 của toàn thành phố tăng hơn so với năm học 2022-2023 là khoảng 51.000 em.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) cho rằng, số học sinh tăng thêm tương đương với khoảng 50 trường học. Thế nhưng, xây dựng một số lượng trường học như vậy không phải là việc có thể triển khai ngay trong một sớm một chiều, nhất là trong điều kiện diện tích đất dành cho giáo dục ở nhiều địa bàn hạn hẹp.

Việc thiếu giáo viên dạy một số môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như tiếng Anh, tin học và công nghệ (cấp tiểu học); môn khoa học tự nhiên (cấp trung học cơ sở); môn nghệ thuật (cấp trung học phổ thông) cũng là một khó khăn.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, năm học 2022-2023, với sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện bảo đảm đủ giáo viên để triển khai đủ các môn học theo quy định, trong đó môn tiếng Anh, tin học dạy đủ 4 tiết/tuần cho tất cả học sinh lớp 3. Tuy nhiên, sang năm học 2023-2024, khi số khối lớp, số học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng, việc bố trí giáo viên sẽ khó khăn hơn.

Khẩn trương chuẩn bị

Với mục tiêu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 4, 8 và 11 bảo đảm chất lượng ngay từ năm học đầu tiên, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho biết, tất cả các trường trên địa bàn quận đã hoàn thành việc lựa chọn, đề xuất danh mục sách giáo khoa mới để đưa vào giảng dạy từ năm học 2023-2024. Quy trình lựa chọn đề xuất sách giáo khoa được thực hiện đúng các bước quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từng tổ chuyên môn đều tổ chức cho giáo viên tìm hiểu, thảo luận, đánh giá về từng cuốn sách, sau đó bỏ phiếu kín lựa chọn sách cho từng môn học. Hiện nay, các nhà trường tiếp tục tổ chức, tạo điều kiện cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận kỹ hơn về sách giáo khoa mới để có phương pháp dạy học hiệu quả nhất với học sinh trường mình. Việc kết nối với các tác giả, chủ biên sách giáo khoa mới để kịp thời giải đáp, tháo gỡ những băn khoăn, thắc mắc cho giáo viên… cũng được các nhà trường quan tâm.

Trong khi đó, theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai, ngành Giáo dục huyện được thành phố hỗ trợ 12 tỷ đồng để đầu tư, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các khối lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Phòng Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu UBND huyện ưu tiên kinh phí để mua sắm trang thiết bị dành cho lớp 4 và lớp 8 - hai khối lớp chuẩn bị thực hiện chương trình mới năm đầu tiên từ tháng 9-2023. Phòng cũng yêu cầu các nhà trường rà soát toàn bộ các điều kiện dạy học hiện có, bao gồm cơ sở vật chất và nhân lực để chủ động chuẩn bị phương án, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước ngày khai giảng”, ông Nguyễn Khắc Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai cho biết.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã trình Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của thành phố đề xuất danh mục sách giáo khoa mới lớp 4, 8 và 11 để đưa vào giảng dạy từ năm học 2023-2024. Trên cơ sở danh mục được phê duyệt, Sở sẽ khẩn trương phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức cung ứng đầy đủ số lượng sách cho các nhà trường.

Liên quan đến vấn đề cung ứng sách giáo khoa, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cho hay, đơn vị dự kiến phát hành sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11 từ ngày 15-6-2023. Nhà Xuất bản cũng đang tổ chức in các sách giáo khoa tái bản và chuẩn bị sẵn vật tư để in sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11 ngay khi có kết quả lựa chọn sách của các địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng triển khai chương trình, sách giáo khoa mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.