Giáo dục

Chọn sách giáo khoa mới: Tâm huyết và trách nhiệm

Thống Nhất 01/03/2024 - 06:39

2024-2025 là năm học đầu tiên học sinh khối lớp 5, l9, 12 học sách giáo khoa mới biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Với mục tiêu đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu, các nhà trường đang khẩn trương, tập trung nghiên cứu sách với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm cao nhất để lựa chọn được bộ sách phù hợp với điều kiện dạy, học và bảo đảm chất lượng.

sgk.jpg
Cán bộ, giáo viên nghiên cứu sách giáo khoa lớp 9 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Minh Khang

Hoàn thành giới thiệu sách trong tháng 3

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được thực hiện ở 9 khối lớp gồm: 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11. Còn 3 khối lớp gồm lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ thực hiện từ năm học 2024-2025. Hiện nay 3 khối lớp này đang học sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 năm học 2024-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa mới ở tất cả các môn học, hoạt động giáo dục, bao gồm 41 sách giáo khoa lớp 5; 48 sách giáo khoa lớp 9 và 39 sách giáo khoa lớp 12.

Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT (thay thế cho Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT) quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông làm căn cứ để các địa phương, nhà trường tổ chức lựa chọn sách. Điểm mới của Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT là nhà trường được lựa chọn sách giáo khoa (trước đó việc lựa chọn sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh thành lập hội đồng phê duyệt, quyết định).

Trong hai ngày 24 và 25-2 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức hội nghị giới thiệu toàn bộ danh mục sách giáo khoa lớp 9 tới hơn 25.000 giáo viên dự kiến được phân công dạy lớp 9 năm học tới. Hội nghị giới thiệu danh mục sách giáo khoa của lớp 5 và lớp 12 sẽ được triển khai vào các ngày cuối tuần tiếp theo, bảo đảm toàn bộ giáo viên dự kiến dạy lớp 5, 9, 12 được tiếp cận với sách giáo khoa mới trong tháng 3-2024.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) Khuất Thị Hồng Điệp cho biết, việc lựa chọn sách giáo khoa là quyền lợi, cũng là trách nhiệm rất lớn của các nhà trường. Nhà trường sẽ đặc biệt lưu ý giáo viên về trách nhiệm cũng như quy trình từng bước trong việc lựa chọn sách giáo khoa mới ở lớp 9 theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu

Xác định rõ trách nhiệm trong việc lựa chọn sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở 3 khối lớp cuối cùng từ năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các nhà trường đặc biệt lưu tâm để triển khai đúng, đủ quy trình với tinh thần đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu.

Cô giáo Nguyễn Thu Hà, Trường Trung học cơ sở Văn Khê (huyện Mê Linh) cho biết: “Sau buổi tham gia nghe giới thiệu sách giáo khoa lớp 9, tôi cùng các đồng nghiệp đã có kế hoạch sắp xếp thời gian để tự nghiên cứu, tìm hiểu, tìm ra những ưu điểm ở từng cuốn sách. Trong quá trình nghiên cứu, tôi quan tâm đến những cuốn sách có thể phát huy hiệu quả với điều kiện dạy học ở trường mình và phù hợp với học sinh, giúp các em phát huy năng lực tốt nhất".

Là đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, phát hành sách giáo khoa, có nhiều cuốn sách giáo khoa nằm trong danh mục sách được phê duyệt đưa vào sử dụng trong nhà trường, Phó Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Chí Bính khẳng định, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cam kết đồng hành với các nhà trường, thầy cô giáo trong việc tổ chức giới thiệu sách giáo khoa mới ở lớp 5, 9 và 12 tại đơn vị. Sau khi các nhà trường có quyết định lựa chọn danh mục sách để giảng dạy từ năm học mới, đơn vị sẽ cung ứng đủ về số lượng và kịp thời về tiến độ, đồng thời tiếp tục triển khai chương trình tặng sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm học sinh có đủ sách giáo khoa trước ngày khai giảng.

Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Bá Cường cho biết, Nhà xuất bản sẽ tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các nhà trường hỗ trợ giáo viên tiếp cận tốt nhất, lựa chọn được sách giáo khoa mới phù hợp, chất lượng để đưa vào sử dụng từ năm học 2024-2025, đồng thời cam kết tiếp tục đồng hành trong quá trình giảng dạy.

Nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 để sử dụng từ năm học 2024-2025, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Quốc Toản yêu cầu, các đơn vị nghiên cứu kỹ Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT, nhất là những điểm mới về trách nhiệm và quy trình lựa chọn sách giáo khoa để bảo đảm triển khai nghiêm túc, minh bạch, công bằng và bảo đảm tiến độ công bố danh mục sách giáo khoa được phê duyệt trước ngày 30-4-2024. Mỗi nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn, mỗi giáo viên cần ý thức rõ trách nhiệm phải nghiên cứu kỹ từng sách giáo khoa để bảo đảm sự lựa chọn phải xuất phát từ thực tiễn và hiệu quả dạy học.

”Dù quy trình lựa chọn sách giáo khoa mới năm học 2024-2025 khác so với năm học 2023-2024, nhưng việc lựa chọn trước hết vẫn phải bảo đảm nguyên tắc sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; nguyên tắc dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi học sinh, đồng thời phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy, học tại các nhà trường”, ông Phạm Quốc Toản lưu ý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chọn sách giáo khoa mới: Tâm huyết và trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.