(HNM) - Những khó khăn của năm học 2020-2021 do dịch Covid-19 gây ra sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến năm học 2021-2022. Đặc biệt, năm học này, khối lớp 2 và lớp 6 bắt đầu học chương trình sách giáo khoa mới nên thách thức đặt ra càng nhiều hơn.
Chương trình sách giáo khoa mới đã được khởi động từ năm học 2020-2021 với khối lớp 1 trên phạm vi cả nước. “Vạn sự khởi đầu nan”, sau rất nhiều ý kiến phản biện, tranh luận, nhưng cuối cùng, kết quả mang lại là những hiệu ứng tốt với cả học sinh, giáo viên và phụ huynh. Dù có khoảng thời gian khá dài, học sinh và các nhà trường phải dạy, học trực tuyến, nhưng chương trình lớp 1 mới vẫn khẳng định được chất lượng thực chất. Và đó chính là niềm tin để năm học tới, việc dạy và học chương trình sách giáo khoa mới lớp 2, lớp 6 thêm phần thuận lợi.
Để việc dạy và học hiệu quả, thời gian qua, ngành Giáo dục Thủ đô đã chú trọng việc tiếp cận, tìm hiểu sách mới cho giáo viên. Đến thời điểm này, phần lớn giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 đã được tập huấn, bồi dưỡng về chương trình sách giáo khoa mới bằng nhiều hình thức phù hợp trong tình hình có dịch bệnh. Bên cạnh đó, các trường cũng rà soát, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất để bảo đảm đủ thiết bị dạy học theo quy định.
Dù đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng cho năm học mới, nhưng ngành Giáo dục Thủ đô không chủ quan, cần xây dựng kịch bản linh hoạt với khối lớp 2 và lớp 6 để không bị động, lúng túng trước những vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
Chương trình sách giáo khoa mới lớp 2, lớp 6 được nhìn nhận là việc sắp xếp nội dung mang tính logic, khoa học hơn chương trình cũ; phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay. Tuy nhiên, để học sinh lĩnh hội được kiến thức nhanh nhất thì đội ngũ giáo viên cũng phải đổi mới phương pháp dạy học, sao cho khơi gợi được tính sáng tạo, chủ động của học sinh. Ảnh hưởng của dịch bệnh, có thể trong năm học 2021-2022, hình thức dạy, học trực tuyến và trực tiếp sẽ tiếp tục đan xen. Do đó, mỗi giáo viên cần tìm phương pháp dạy học phù hợp ở mỗi hình thức.
Với những kinh nghiệm đã được tích lũy từ năm học 2020-2021 khi dạy chương trình sách giáo khoa mới lớp 1, ngành Giáo dục Thủ đô nói chung, mỗi nhà trường nói riêng cần rút ra những bài học về quản lý, sắp xếp chương trình dạy phù hợp; tăng cường trao đổi giữa các trường để tìm ra được phương án dạy tốt nhất. Đồng thời, các nhà trường nên bố trí đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết, sáng tạo và gần gũi với học sinh để việc dạy và học mang lại kết quả cao.
Là năm đầu tiên có những môn học mới mang tính tích hợp như lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên..., nên trong quá trình giảng dạy chương trình lớp 6, chắc chắn sẽ phát sinh những vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Các nhà trường nên lưu ý điểm này để tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh và phụ huynh có môi trường trao đổi thẳng thắn, cởi mở để các bên cùng phối hợp trong cách học, cách dạy, trên tinh thần đặt quyền lợi học sinh lên cao nhất.
Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 của thành phố Hà Nội thì ngày tựu trường sớm nhất của học sinh Thủ đô là 1-9. Với bối cảnh hiện nay, thử thách chắc chắn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Do đó, khi ngành Giáo dục thành phố chủ động với tâm thế sẵn sàng cùng sự chung sức khắc phục khó khăn của phụ huynh, học sinh, việc dạy chương trình sách giáo khoa mới sẽ từng bước tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng như mục tiêu Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội đã đặt ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.