(HNM) - Năm nay, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm an toàn cho người dân, ngay từ sớm, các lực lượng chức năng, bến xe thành phố Hà Nội đã chủ động phương án phân luồng phương tiện, đưa, đón người dân về quê ăn Tết tại các bến xe, nhà ga… Do đó, áp lực giao thông không còn là vấn đề trong những ngày nghỉ cuối cùng đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Chủ động, linh hoạt điều tiết giao thông
Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, nhận định người dân về quê ăn Tết chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân, nên các đội cảnh sát giao thông khu vực cửa ngõ Thủ đô đã phối hợp thông tin với công an các tỉnh lân cận, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phân luồng từ xa. Trong khu vực nội thành, Cảnh sát giao thông chuẩn bị phương án giảm ùn tắc trên các cây cầu bắc qua sông Hồng hướng về nội đô và các tuyến đường trên cao.
Ghi nhận tại các nhà ga, bến tàu, Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp cùng công an địa bàn và bảo vệ bến xe xử lý phương tiện dừng đỗ đón trả khách sai quy định. Thượng úy Nguyễn Như Xạ, Công an phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) thông tin, công an phường đã tiếp nhận phương án bảo đảm giao thông tại nút giao Giải Phóng - Ngọc Hồi (trên đường Giải Phóng) và phối hợp cùng Thanh tra Giao thông - Vận tải, thanh niên tình nguyện, Cảnh sát giao thông chống ùn tắc trước, trong và sau Tết.
Về phương án phân luồng giao thông từ xa, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 8 (Phòng Cảnh sát giao thông) phụ trách địa bàn huyện Phú Xuyên, Thường Tín cho hay, khi xảy ra hiện tượng ùn tắc trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đơn vị sẽ chủ động phối hợp cùng Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu xả trạm thu phí và hướng dẫn xe về quốc lộ 1A. Còn theo Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 12 (Phòng Cảnh sát giao thông), hướng Tây Bắc thành phố có quốc lộ 6 đi các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và đường Hồ Chí Minh, nên đơn vị đã bố trí các tổ tuần tra, phối hợp với Công an tỉnh Hòa Bình phân luồng từ xa.
Trong nội thành, các đội cảnh sát giao thông phụ trách tuyến đường Vành đai 3, đường trên cao Mai Dịch - cầu Thăng Long đã bố trí lực lượng cắm chốt hướng dẫn phương tiện. Chị Nguyễn Thanh Hòa, quê ở Lạng Sơn nhận xét: "Giao thông trên quốc lộ 1A tuy đông nhưng đi lại rất thuận lợi, không ùn tắc nhờ cảnh sát giao thông chủ động hướng dẫn từ xa".
Không lo thiếu phương tiện
Đó là khẳng định của Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn khi đề cập đến vấn đề tàu, xe phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Dự kiến trong các ngày giáp Tết, lượng khách trên các bến xe sẽ tăng khoảng 300% so với ngày thường. Tuy nhiên, do ngày thường lượng khách thấp nên việc tăng lên trong dịp Tết sẽ không vượt năng lực vận chuyển theo biểu đồ vận hành và bình quân lượt khách trên xe chỉ đạt 50% tải trọng thiết kế. Tại Bến xe Mỹ Đình, lượng khách qua bến dự kiến khoảng 4.000 lượt khách/ngày và 380 lượt xe/ngày; Bến xe Giáp Bát khoảng 4.200 lượt khách/ngày và 400 lượt xe/ngày... Ngoài chuẩn bị đủ phương tiện, các bến xe cũng phải bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19.
Dù đang là dịp cao điểm nhưng lượng khách qua các bến xe rất vắng. Trong khu vực nhà chờ, quầy bán vé cũng chỉ lác đác vài khách. Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Lý Trường Sơn cho biết, trong ngày 26, 27-1 (tức 24 và 25 tháng Chạp), lượng khách qua bến chỉ bằng 20% so với các dịp cao điểm trước đây.
Còn Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh cho biết, đơn vị đã chuẩn bị khoảng 60% năng lực phương tiện so với các Tết trước đây. Hiện, trên tuyến Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có 5 đôi tàu khách Thống Nhất. Trên tuyến cũng chạy nhiều tàu khu đoạn từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh, thành phố. Năm nay khách chủ yếu đi chặng ngắn từ thành phố Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng trở vào.
Tối 27-1, khảo sát trên trang bán vé trực tuyến của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tàu từ thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội xuất phát ngày 29-1 (vốn luôn là tuyến có nhu cầu cao vào các dịp Tết Nguyên đán) vẫn còn nhiều vé của các đoàn tàu SE2, SE4, SE6, SE8, SE10.
Trong khi đó, đường hàng không trong những ngày cận Tết dù vẫn còn vé nhưng không nhiều, giá vé không đắt như các dịp cao điểm trước đây. Trên trang bán vé của các hãng hàng không, chặng bay “nóng” thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội vào ngày 29-1 vẫn còn vé với mức giá thấp nhất 2.230.000 đồng/vé.
Đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, sản lượng vận chuyển qua Nội Bài trong những ngày qua đang tăng dần. Mỗi ngày, sân bay có khoảng 350 chuyến bay cất - hạ cánh, trong đó, bay quốc tế 100 chuyến. Lượng hành khách dự kiến đạt khoảng 33.000 lượt người/ngày, trong đó có 30.000 khách nội địa. Trong giai đoạn cao điểm từ ngày 23-1 đến 16-2, ngành Hàng không cung ứng khoảng 3,2 triệu ghế và 15.300 chuyến bay, tăng 13% so với Tết năm trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.