Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẵn sàng cho ngày khai hội Đền Hùng

Hiền Dung| 03/04/2013 06:27

(HNM) - Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2013 diễn ra từ ngày 13 đến 19-4 (mùng 4 đến 10 tháng Ba âm lịch) sẽ được tổ chức trang trọng, dự kiến có hơn 6 triệu đồng bào, kiều bào tham gia.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phó Thường trực BTC lễ hội chia sẻ về những đổi thay tại Khu di tích quốc gia đặc biệt trước ngày khai hội. 

Lễ hội Đền Hùng 2013 dự kiến tăng hàng triệu lượt người tham dự so với năm trước.
Ảnh: Phương Thanh


- Thưa ông, lượng khách về Đền Hùng năm 2013 dự kiến tăng hàng triệu lượt người so với những năm trước, ông có thể cho biết những phương án đón tiếp, giúp đồng bào về đất Tổ dâng hương cảm thấy ấm lòng?

- Chúng tôi luôn xác định công tác đón tiếp, hướng dẫn đồng bào thực hành tín ngưỡng là việc làm vô cùng quan trọng. Sau khi “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được vinh danh, các cháu học sinh, sinh viên khắp mọi miền đất nước về Đền Hùng tìm hiểu giá trị, ý nghĩa của di sản, qua đó hiểu hơn về quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước của các vua Hùng tăng đột biến. Cụ thể là từ đầu năm đến nay là hơn 2 triệu lượt người, trong đó 50% là học sinh, sinh viên. Đối tượng này chính là những người thực hành, giữ gìn di sản trong tương lai, cần hiểu chính xác vì vậy không thể thiếu hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Xác định rõ vai trò của đội ngũ này, Khu di tích thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên hiện có, đồng thời từng bước đào tạo, bổ sung thêm. Đội ngũ hướng dẫn viên thay nhau làm việc tất cả các ngày trong tuần, có bàn đón tiếp các đoàn khách đăng ký hướng dẫn tham quan tại cổng khu di tích.

Ngoài ra, các hạng mục công trình tại Khu di tích đang khẩn trương hoàn thiện. Đường từ cổng biểu tượng vào khu trung tâm cơ bản xong. Các bãi xe với sức chứa hàng vạn xe cũng đã hoàn thiện. Các hạng mục trong kế hoạch xây dựng đến năm 2015 đang tiếp tục được triển khai như: Trục hành lễ, chợ quê, nhà khách quốc tế, đền Lạc Long Quân, vườn cây số 2... Đặc biệt, tất cả các bãi xe, dịch vụ bán hàng tại Khu di tích đều niêm yết giá công khai nhằm hạn chế tối đa tình trạng “chặt chém”. Các điểm trông giữ xe, dịch vụ bán hàng ngoài Khu di tích thuộc địa bàn xã nào thì xã đó có trách nhiệm quản lý, lực lượng kiểm tra liên ngành của tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra, phát hiện thấy sai phạm sẽ bị xử lý.

- Như ông đã biết, dư luận đang rất quan tâm tới nét Hán tự bị cho là sai trên bức hoành phi “Triệu Tổ Nam Bang” ở nhà Đại Bái, Đền Trung. Điều này có được sửa cho đúng trước khi khai hội Đền Hùng không, thưa ông?

- Đồng bào về Đền Hùng phát hiện ra những nét Hán tự viết chưa đúng nói riêng, những điều chưa hợp lý nói chung, chúng tôi xin ghi nhận, nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, Khu di tích Đền Hùng là nơi thờ tự tổ tiên chung của cả nước, là di tích đặc biệt của quốc gia, việc sửa chữa dù là rất nhỏ cũng phải theo quy trình. Với nét Hán tự ở Đền Trung, chúng tôi đã có văn bản đề nghị Viện Hán - Nôm thành lập Hội đồng thẩm định. Nếu Hội đồng chuyên môn kết luận nét Hán tự trên bức hoành phi sai thì tất nhiên chúng tôi sẽ cho sửa và có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng, kính cáo đồng bào. Tôi chắc chắn mọi công việc sẽ được tiến hành xong trước ngày khai hội.

- Việc thu chi, sử dụng tiền công đức tại di tích cũng đang là vấn đề “nóng”. Nhiều năm nay, mô hình quản lý tiền công đức tại Đền Hùng được Bộ VH,TT&DL đánh giá cao, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm?

- Đồng bào bày tỏ lòng thành kính với các vua Hùng bằng cách công đức để xây dựng, tu bổ di tích dù lớn hay nhỏ, nhiều hay ít đều đáng trân trọng. Chúng tôi luôn tâm niệm không được sử dụng sai dù chỉ một đồng tiền công đức của đồng bào. Năm nay, việc tiếp nhận, quản lý tiền công đức sao cho hợp lý tiếp tục được BTC coi là nội dung trọng tâm trong công tác chuẩn bị lễ hội. Chúng tôi đã bố trí đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ hướng dẫn, nhắc nhở du khách đặt tiền công đức, giọt dầu đúng nơi quy định; đồng thời, bố trí bàn nhận công đức ở những nơi dễ quan sát, thuận lợi cho khách hành hương. Tất cả các điểm ghi công đức đều có tấm biển ghi rõ nội dung tiếp nhận, số điện thoại nóng của những người có trách nhiệm để kịp thời tiếp thu ý kiến phản ánh của du khách. Với đội ngũ nhân viên, khi tiếp nhận công đức phải mặc đồng phục, đeo thẻ, phải ghi số tiền trên mẫu phiếu do Cục Thuế tỉnh Phú Thọ phát hành, có số sêri... Toàn bộ số tiền công đức được quản lý, giám sát hằng ngày trên cơ sở đối chiếu số tiền thực thu trong các hòm công đức và số phiếu công đức được phát ra, sau đó chuyển về kho bạc, khi cần sử dụng thì xin phép các cấp có thẩm quyền. Bằng cách này chúng tôi nhận thấy đồng bào yên tâm hơn, nhân viên tiếp nhận công đức cũng không dám có thái độ khiếm nhã với khách.

- Còn công tác vệ sinh môi trường sẽ được xử lý như thế nào trong lễ hội năm nay, thưa ông?

- Đó là vấn đề chúng tôi băn khoăn, lo lắng nhất. Chúng tôi đã bố trí 150 người thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, xây dựng nhà vệ sinh miễn phí ở nhiều điểm, nhưng với lượng khách quá đông thì sự quá tải là khó tránh khỏi. Lễ hội Đền Hùng thường diễn ra trong thời tiết mưa, mỗi người đi hội mặc một áo mưa, sau đó vứt lung tung khiến rác tràn ngập. Năm 2012, hàng trăm nhân viên dọn vệ sinh mất một ngày sau hội, gỡ từng chiếc áo mưa trên cây mới có thể trả lại không gian, cảnh quan cho di tích. Tôi hy vọng đồng bào về hội năm nay có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Đó cũng là cách chúng ta bảo vệ di tích.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng cho ngày khai hội Đền Hùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.