Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội: “Chắp cánh” để vươn xa

Thanh Hiền| 17/12/2019 07:54

(HNM) - Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, ngành thủ công mỹ nghệ đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu và phát triển kinh tế của Hà Nội. Để “chắp cánh” cho hàng thủ công mỹ nghệ vươn xa, các làng nghề truyền thống cần chú trọng đổi mới thiết kế mẫu mã để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời vẫn giữ được bản sắc, giá trị truyền thống của sản phẩm.

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Hà Nội hiện có hơn 1.350 làng nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước, với khoảng 176.000 hộ làm nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được sản xuất tại các làng nghề của Hà Nội rất đa dạng, gồm: Hàng thủ công mỹ nghệ và trang trí gia đình; đồ gỗ trong nhà và ngoài trời; dệt gia dụng, thêu ren; quà tặng và sản phẩm của các đồng bào dân tộc; trang sức, phụ kiện và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Linh Ngọc

Dù có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế Thủ đô nhưng sự phát triển của các làng nghề thủ công mỹ nghệ được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những hạn chế lớn nhất là khâu mẫu mã sản phẩm. Hiện thành phố có tới gần 200 nghệ nhân, hàng nghìn thợ giỏi, hàng trăm chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, cùng các sinh viên chuyên ngành, hằng năm sáng tác, thiết kế hàng nghìn mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm  này mới chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu, rất ít sản phẩm được thương mại hóa.

Ông Lê Đức Kế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch dịch vụ thương mại Bát Tràng (huyện Gia Lâm) cho biết, nếu nhìn nhận gốm sứ Bát Tràng là làng nghề thủ công thuần túy thì không cần phải bàn thêm. Song, nếu dưới góc nhìn của một làng nghề thủ công mỹ nghệ thì những mặt hàng ở đây đang thiếu một nhà thiết kế mẫu hiện đại, có tầm nhìn và dự đoán chính xác về thị hiếu mẫu, hoa văn. Vì vậy, khi bước ra thị trường thế giới, sản phẩm gốm sứ của Bát Tràng có phần đuối sức so với mặt hàng cùng loại của nhiều nước.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam yếu hơn về thiết kế, trong khi sự khác biệt về mẫu mã là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Hướng tới sàn giao dịch sản phẩm 

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiếp cận, kết nối với các thiết kế, mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới nhất, đáp ứng tốt yêu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; thành phố Hà Nội đã tổ chức “Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo năm 2019”. Triển lãm diễn ra từ ngày 21 đến 23-11 vừa qua, tại Khu triển lãm 1000 năm Thăng Long Hà Nội (thôn 1, làng cổ Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm).

Triển lãm có quy mô khoảng 3.000m2 và 100 gian hàng trưng bày của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tại đây, 500 sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo và 300 mẫu sản phẩm theo thiết kế mới, sản phẩm phát triển từ các thiết kế mới được công nhận đã được đưa ra thị trường và trưng bày với người xem. Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, chỉ trong 3 ngày (từ 21 đến 23-11-2019), "Triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo năm 2019" đã đón gần 9.000 lượt người đến tham quan.

Chuyên sản xuất, gia công các sản phẩm với chất liệu đa dạng từ cây bông thiên nhiên, polyester, cotton, gấm… nghệ nhân Trần Văn Vinh - người có thâm niên trên 50 năm trong lĩnh vực làm bông truyền thống Trát Cầu (huyện Thường Tín) đã mang những sản phẩm độc đáo, sáng tạo nhất của mình đến với triển lãm.

“Mỗi sản phẩm đều có một câu chuyện và ý nghĩa riêng. Bông nghệ thuật không chỉ dừng lại ở các sản phẩm sử dụng thông thường, mà được nâng lên thành những tác phẩm nghệ thuật để trang trí trong gia đình. Đến với triển lãm, tôi kỳ vọng có thể chia sẻ ý tưởng của mình với các bạn nghề, cũng như học tập kinh nghiệm, các mẫu thiết kế mới có tính ứng dụng thực tiễn cao của các nghệ nhân khác”, nghệ nhân Trần Văn Vinh chia sẻ.

Nhấn mạnh vai trò của thiết kế mẫu, theo ông Hoàng Minh Lâm - Trưởng phòng Khuyến công (Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội) cho biết, việc kết nối tạo thành một chuỗi sản xuất có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo ra lượng sản phẩm lớn, đáp ứng được nhu cầu của nhà nhập khẩu. Vì thế, các doanh nghiệp cần chú trọng phát triển sản phẩm mới mang nét văn hóa của người Việt thì mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhận định: “Trong bối cảnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ còn nhiều dư địa, việc tổ chức triển lãm sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo là thực sự cần thiết. Quan trọng hơn, đây sẽ là tiền đề cho việc xây dựng và hình thành sàn giao dịch các thiết kế, mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo trên địa bàn thành phố, phục vụ cho phát triển ngành thủ công mỹ nghệ và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn Hà Nội. Đó còn là cơ hội để các nghệ nhân, doanh nghiệp trao đổi, tư vấn về thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhằm đưa các thiết kế này vào sản xuất thực tế. Từ đó, phát triển thành các sản phẩm mới của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội: “Chắp cánh” để vươn xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.