(HNM) - Đón Xuân Tân Sửu 2021, Đảng ta tròn 91 tuổi cùng với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra dịp này là những dấu ấn quan trọng thôi thúc người làm sân khấu hứng khởi sáng tạo. Đặc biệt gần đây, liên tục các tác phẩm sân khấu mừng Đảng, mừng Xuân mang những thông điệp giàu ý nghĩa được ra mắt, phục vụ công chúng.
Lan tỏa niềm lạc quan, tin tưởng
Ngay trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tác phẩm nghệ thuật “Đêm trắng” của Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Vở diễn được thực hiện từ kịch bản của tác giả Lưu Quang Hà, do Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Xuân Bắc đạo diễn, khắc họa hình tượng Bác Hồ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, gắn với vấn đề rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên, xây dựng quân đội cách mạng.
Nghệ sĩ Nguyễn Minh Hải, người thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Đêm trắng” chia sẻ: “Được giao thể hiện hình tượng Người là niềm vinh hạnh và cũng là trọng trách với tôi. Tuy đã có nhiều năm kinh nghiệm, nhưng lần này tôi trăn trở hơn nhiều để toát lên được sự chân thành, dung dị, công minh, nghiêm khắc và tràn đầy tình cảm của Bác, từ đó truyền niềm tin tưởng, lạc quan vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ”.
Vở chèo “Nguyễn Văn Cừ - Tuổi trẻ chí lớn” (tác giả Lê Thế Song, đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Tự Long) của Nhà hát Chèo quân đội cũng chọn xây dựng hình tượng người lãnh đạo tiêu biểu của cách mạng Việt Nam. Công trình chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng này vừa ra mắt đã gây ấn tượng với khán giả khi khắc họa sinh động, chân thật hình ảnh vị Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử Đảng ta trên sân khấu thông qua những làn điệu chèo, quan họ truyền thống uyển chuyển, nhuần nhị.
Liên đoàn Xiếc Việt Nam với chương trình “Tự hào Việt Nam” (Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng đạo diễn) khai thác vẻ đẹp quê hương, đất nước và những lực lượng kiên cường, anh dũng trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc qua ngôn ngữ xiếc cũng là điểm nhấn mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu 2021. Đơn vị này cũng đã sẵn sàng chương trình “Trâu vàng du xuân” để đón khán giả bắt đầu từ mùng 2 Tết Tân Sửu (ngày 13-2). Nhà hát Múa rối Việt Nam đã hoàn thiện để biểu diễn chương trình nghệ thuật “Trăng đất Việt” (Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng tác giả và đạo diễn) dịp này, bằng những thử nghiệm kết hợp múa rối với nghệ thuật múa dân tộc đặc sắc. Còn Nhà hát Tuổi trẻ mang đến sự tươi vui, tràn đầy tin tưởng vào mùa xuân mới với chương trình ca nhạc - hài kịch “Thank xuân 21”.
Các đơn vị sân khấu Thủ đô cũng đang rộn ràng chuẩn bị những chương trình đậm “chất” Hà Nội phục vụ khán giả dịp Tết Nguyên đán. Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa hoàn thành vở “Thiên mệnh” (tác giả Hoàng Thanh Du, đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai), khắc họa hình tượng Thái sư Trần Thủ Độ - nhà chính trị xuất sắc thời Trần. Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn vở kịch “Phải có ba đồng”, mượn câu chuyện về thân phận người phụ nữ xưa để phê phán chế độ phong kiến. Nhà hát Chèo Hà Nội cũng sẵn sàng vở mới “Lý Công Uẩn” đem đến cho khán giả trong mùa xuân này...
Nỗ lực để hấp dẫn khán giả
Bước sang năm 2021, các đơn vị nghệ thuật đều nỗ lực phục hồi, đem đến cho khán giả những tác phẩm cuốn hút, mang thông điệp ý nghĩa. Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, để hấp dẫn khán giả, đặc biệt với một vở diễn chính kịch, thì phải kể câu chuyện bằng tư duy của người trẻ, mang hơi thở thời đại vào tác phẩm. Cụ thể, đối với tác phẩm “Đêm trắng” đã được dàn dựng với nhiều loại hình sân khấu khác nhau, lần này, Nhà hát Kịch Việt Nam thể hiện với nhịp nhanh, mạnh, có nhiều chi tiết mang đến tiếng cười đan xen những tình huống xúc động, gợi nhiều suy tư, nên đã chinh phục được khán giả.
Cùng chung quan điểm, Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, một chương trình nghệ thuật đọng lại trong khán giả phải có nội dung sâu sắc, truyền tải thông điệp ý nghĩa, nhân văn, nhưng cũng cần có tính giải trí cao. “Hiện dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng đến toàn cầu, các đơn vị nghệ thuật nước nhà đầu tư chương trình phục vụ khán giả trong nước sẽ đạt hiệu quả hơn. Đây cũng là dịp để tri ân, đồng thời tạo nếp tư duy, nhìn nhận mới cho khán giả về sự phát triển của sân khấu Việt Nam”, Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng nói.
Về xu hướng thưởng thức nghệ thuật năm 2021, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ dự đoán, khán giả thích những tác phẩm ngắn gọn, trẻ trung, ứng dụng công nghệ hiện đại. Đặc biệt, các chương trình đầu xuân, năm mới nên dàn dựng có tiết tấu nhanh, vui tươi, hài hước. Chị Trần Lê Diệu Linh (phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Tết Nguyên đán là dịp gia đình tôi cùng nhau vui chơi, thưởng thức nghệ thuật. Tôi hy vọng sân khấu tại Hà Nội xuất hiện nhiều chương trình được thể hiện theo hướng trẻ trung, có chất nhân văn”.
Theo Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Hướng Dương, nhiều chương trình sân khấu mừng Đảng, mừng xuân do các nghệ sĩ trẻ, có tài đảm nhiệm nhận được phản hồi tích cực của công chúng và giới nghề. Điều này tạo sự tin tưởng và là cơ sở để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng đầu tư thực hiện các tác phẩm lớn, có giá trị trong năm 2021, nhằm phát triển nghệ thuật biểu diễn, đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.