Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sàn giao dịch vận tải: Kết nối các nhu cầu

Lương Ninh Giang| 05/10/2015 06:34

(HNM) - Dự kiến, trong tháng 10-2015, sàn giao dịch vận tải sẽ được đưa vào khai thác thí điểm.


Tổng cục ĐBVN đang khẩn trương hoàn tất hành lang pháp lý và việc xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu để có thể đưa vào thực hiện thí điểm SGDVT trong tháng 10-2015. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, qua nghiên cứu, việc triển khai SGDVT có điểm thuận lợi về pháp lý là Chính phủ đã có Nghị định 52/CP về thương mại điện tử và Thông tư số 47/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về quản lý website thương mại điện tử.

Để chuẩn bị ra mắt "sàn", Tổng cục ĐBVN đã làm việc với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) để thống nhất các nội dung phục vụ cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lý: Xây dựng các website điện tử cho chủ hàng, lái xe; công tác tổ chức đấu thầu khối lượng hàng lớn trên mạng cho chủ hàng, lái xe, đơn vị có nhu cầu vận chuyển; các dịch vụ cung ứng cho chủ hàng, lái xe; mô hình trao đổi thông tin; các loại phí và cách thu phí dịch vụ. Tổng cục đã tổ chức đoàn tham quan, học hỏi mô hình hoạt động của SGDVT ở Hồng Công (Trung Quốc) cũng như nghiên cứu mô hình của một số quốc gia khác. Đây là việc làm cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đồng thời thúc đẩy thương mại điện tử phát triển trong lĩnh vực vận tải. Theo kế hoạch, sau thời gian hoạt động thí điểm sẽ báo cáo đánh giá để có đề xuất cụ thể hơn về nội dung các văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành để tạo cơ chế, chính sách cho SGDVT hoạt động hiệu quả hơn.

Xây dựng sàn giao dịch vận tải sẽ hạn chế tối đa tình trạng xe chạy “rỗng”, giúp giảm cước vận tải. Ảnh: Nhật Nam


Theo Vụ Vận tải (Tổng cục ĐBVN), đây là sàn giao dịch thương mại điện tử dành cho các đơn vị vận tải hàng hóa. Các nhà cung cấp dịch vụ vận tải và khách hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa đăng thông tin lên "sàn". Các đơn vị vận tải tham gia SGDVT được kiểm chứng về năng lực, uy tín và các cam kết về vận chuyển hàng hóa cho chủ hàng. Đây cũng là nơi kết nối các phương thức vận tải với nhau, giúp cho các đơn vị vận tải sử dụng năng lực vận tải hai chiều, giảm chi phí vận tải. Các đơn vị kinh doanh SGDVT được nhận một khoản thu nhập nhất định từ các đơn vị vận tải. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng quản lý, tổng hợp, phân tích các dữ liệu có được từ quá trình hoạt động của SGDVT để nắm bắt tình hình hoạt động vận tải hàng hóa và công bố công khai những thông tin chung về hoạt động vận tải hàng hóa, như luồng tuyến vận chuyển hàng hóa, giá cước vận chuyển, luồng hàng đi, về, khối lượng giao dịch…

Trong quá trình nghiên cứu và chuẩn bị xây dựng SGDVT, gần đây Tổng cục ĐBVN đã tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm tham vấn kinh nghiệm. Tại hội nghị này, đại diện đến từ Thái Lan cho biết, ở nước này, trước đây có tới 66% các chuyến xe chở hàng đi mà chiều về không có hàng (chạy "rỗng"). Vì thế, SGDVT được thành lập từ năm 2006 để giải quyết tình trạng này. "Sàn" không chỉ góp phần kết nối hiệu quả chủ hàng với DN vận tải, mà còn là sàn đấu giá hàng hóa để thực hiện các hợp đồng vận tải nhằm giảm tối đa chi phí. Các thành viên sẽ đăng tải thông tin về hàng hóa đi và về. Thông tin của các DN vận tải được gửi cho các chủ hàng có nhu cầu vận chuyển. Nếu họ thấy phù hợp sẽ có phản hồi, liên hệ trực tiếp rồi tiến tới đàm phán về mức giá, chất lượng dịch vụ và nhiều điều khoản khác để tìm được đối tác tin cậy. Nếu một chuyến xe không phải chạy "rỗng" chiều về, giá cước vận tải sẽ giảm đi rất nhiều, đem lại lợi ích cho cả chủ hàng lẫn DN vận tải.

Sự hình thành SGDVT có sự điều tiết của Nhà nước sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc điều tiết, kết nối giữa các bên để tăng hiệu quả kinh doanh là quan điểm của ông Jonathan Kok, Công ty Crimson Logistic (Singapore). Ông Jonathan Kok cho rằng, SGDVT hoạt động công khai, minh bạch sẽ góp phần giải được bài toán làm sao để mỗi chuyến xe đều đầy tải cả chiều đi lẫn chiều về hoặc một chuyến đi có thể vận chuyển cho nhiều đơn hàng khác nhau để không bị "non" tải. SGDVT còn giúp cho việc thông quan qua cửa khẩu nhanh hơn. Trước khi một chuyến hàng đến cửa khẩu 30 phút, hải quan đã nắm được thông tin hàng hóa dự kiến thông quan vì thông tin đã được cấp cho hải quan để cho đi qua làn xanh (cho thông quan) hay làn đỏ (dừng lại kiểm tra) nên việc kiểm soát nhanh chóng hơn.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Hiện nay có tình trạng các DN vận tải không muốn công khai minh bạch về khối lượng hàng hóa, giá cước, khả năng vận chuyển vì sợ lộ bí mật kinh doanh, bị cướp mối hàng, gây bức xúc và cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN. Vì vậy, việc tổ chức SGDVT là rất cần thiết để giải quyết tình trạng này.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sàn giao dịch vận tải: Kết nối các nhu cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.