Khoảng 10 năm gần đây, thị trường viễn thông nước ta liên tục ghi nhận sự xuất hiện của một loạt các nhà cung cấp dịch vụ mới, đặc biệt là các nhà cung cấp nước ngoài.
Tuy nhiên, có một thực tế, họ đến và đi một cách khá nhanh chóng. Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do tính cạnh tranh trên thị trường viễn thông Việt Nam rất thấp. Và vì vậy, bản Đề án “Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Việt Nam giai đoạn 2013 – 2015” đã được đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ giải quyết căn bản vấn đề này bởi Tập đoàn Bưu chính Việt Nam (VNPT) đang nắm trong tay 2 "ông lớn" là Mobifone và Vinaphone (2 doanh nghiệp này chiếm tới hơn 41% thị phần viễn thông nước ta – PV).
Nhưng nếu nhìn vào các phương án tái cơ cấu VNPT mà bản Đề án đưa ra thì hẳn nhiều người sẽ phải... thất vọng!
Câu chuyện “bình mới, rượu cũ”
Theo bản Đề án tái cơ cấu VNPT mà Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ thì mục đích tái cơ cấu doanh nghiệp này là: Xây dựng VNPT thành Tập đoàn kinh tế Nhà nước mạnh, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện; hoạt động hiệu quả; có năng lực cạnh tranh cao; giữ vững vai trò chủ lực trên thị trường viễn thông Việt Nam và vươn ra thị trường quốc tế.
Ngoài ra, bản Đề án cũng nhấn mạnh: Kết hợp việc tái cơ cấu VNPT với việc tới cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam để hình thành một thị trường có từ 3 đến 4 Tập đoàn, Tổng công ty mạnh, phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh theo đúng Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phải thấy rằng, với mục tiêu như trên, bản Đề án cơ bản đã đáp ứng được mong mỏi của thị trường viễn thông, đặc biệt là với các nhà mạng nhỏ, mới xuất hiện ở nước ta. Một thị trường viễn thông có tính cạnh tranh lành mạnh cao là điều mà rất nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước cũng như ngoài tiêu dùng đã mong mỏi từ lâu. Tuy nhiên, phương án thực hiện tái cơ cấu VNPT mà bản Đề án đưa ra lại không đáp ứng được những kỳ vọng trên. Cụ thể, bản Đề án đã đưa ra 2 phương án:
Phương án thứ nhất: Tách Công ty VMS (Mobifone) ra khỏi VNPT để hình thành nên Tổng công ty Viễn thông Mobifone cùng với việc điều chuyển quyền sở hữu và các nghĩa vụ tài chính liên quan đến việc đầu tư hệ thống vệ tinh Vinasat 1 và Vinasat 2; quyền sở hữu Công ty Tài chính Bưu điện; phần vốn góp của VNPT tại 62 doanh nghiệp và tổ chức tài chính với tổng số vốn là 1.640 tỉ đồng về Tổng công ty Viễn thông Mobifone.
Phương án thứ hai: Tách Công ty Vinaphone ra khỏi VNPT để hình thành nên Tổng công ty Viễn thông Vinaphone cùng với việc điều chuyển quyền chủ sở hữu Công ty Tài chính Bưu điện; phần vốn góp của VNPT tại 62 doanh nghiệp và tổ chức tài chính với tổng số vốn là 1.640 tỉ đồng về Tổng công ty Viễn thông Vinaphone.
Đáng chú ý, dù là phương án 1 hay phương án 2 thì doanh nghiệp chia tách sẽ trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý và do Bộ này là người đại diện phần vốn Nhà nước ở cả 2 doanh nghiệp. Và trong 2 phương án trên, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa quan điểm ủng hộ phương án thứ nhất. Lý giải cho quyết định này, trong bản Đề án, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Với năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh hiện nay, Mobifone tách ra khỏi VNPT sẽ nhanh chóng trở thành một doanh nghiệp viễn thông đứng vững một cách độc lập và cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác, đồng thời giúp cho việc tái cơ cấu thành công toàn bộ thị trường viễn thông với 3 doanh nghiệp mạnh trên thị trường (Viettel, Mobifone, Vinaphone).
Riêng với phương án 2, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa quan điểm: Việc tách Công ty Vinaphone ra mất nhiều thời gian để hình thành nên doanh nghiệp mới, độc lập trên thị trường. Và rằng, Công ty Vinaphone cũng chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức kinh doanh độc lập và cạnh tranh trên thị trường.
Đó chính là 2 nội dung nổi bật nhất mà bản Đề án “Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Việt Nam giai đoạn 2013 – 2015” đã đưa ra. Và nếu nhìn vào 2 phương án chia tách trên, không khó để nhận ra rằng, thực tế đây chỉ là một cách cho 2 “đứa con” ra ở riêng và toàn bộ mọi hoạt động của 2 “đứa con” này vẫn nằm dưới sự kiểm soát của ông “bố” là Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cái khác duy nhất ở đây là, nếu trước đây, 2 “đứa con” này ở chung một ngôi nhà, ông “bố” sẽ chỉ phải chỉ đạo một lần thì nay thay vào đó, vì đã ra ở riêng, tách thành 2 ngôi nhà, ông “bố” này muốn chỉ đạo điều gì sẽ phải thực hiện 2 lần mà thôi. Câu chuyện “bình mới, rượu cũ” trong bản Đề án là vậy và đây chính là điểm thất vọng nhất mà thị trường viễn thông nhận thấy rõ ràng ở bản Đề án, hình thức có thể mới (chia tách từ 1 thành 2 công ty) nhưng bản chất thì lại không thay đổi (cả 2 doanh nghiệp sau khi chia tách vẫn trực thuộc sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông).
Những nguy cơ tiềm ẩn!
Như đã đề cập tới ở trên, bản Đề án “Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Việt Nam giai đoạn 2013 – 2015” rất được chờ đợi sẽ tạo ra một thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh. Nhưng rõ ràng, với những phương án chia, tách VNPT như bản Đề án đưa ra, mục tiêu này sẽ rất khó thực hiện, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ thị trường viễn thông. Một chuyên gia trong lĩnh vực này phân tích rằng, với những phương án như trên, nguy cơ “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của Bộ Thông tin và Truyền thông là rất cao bởi Bộ này chính là cơ quan phân bổ tài nguyên viễn thông như băng tần, đầu số...
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng là cơ quan có trách nhiệm ban hành các chính sách, quy định quản lý thị trường viễn thông như chính sách về giá cước, khuyến mại, quản lý thị trường cạnh tranh viễn thông. Đồng thời, cơ quan này cũng lại giữ luôn vai trò kiểm tra, giám sát về chất lượng dịch vụ, giá cước viễn thông, vừa là cơ quan giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm trong lĩnh vực viễn thông. Và như vậy, nếu thực hiện theo các phương án chia tách như trên, khả năng thiên vị, ưu ái cho “quân nhà”, cho những “đứa con” của mình là hoàn toàn có thể xảy ra bởi là Bộ chủ quản thì Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phải chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất, kinh doanh của những công ty viễn thông này. Điều này cũng sẽ dẫn đến khả năng làm méo mó thị trường viễn thông trong nước, nguy cơ lợi ích cục bộ thao túng, ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả quản lý cạnh tranh.
Xét về tổng thể có thể thấy, thị trường viễn thông cũng sẽ khó có được tính cạnh tranh lành mạnh khi 2/3 doanh nghiệp viễn thông mạnh, nắm quyền chi phối thị trường lại nằm chung một cái “ô” là Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn cùng lúc với chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với 2 doanh nghiệp viễn thông do Bộ quản lý cũng được vị chuyên gia này chỉ ra là rất khó thực hiện, khó tách bạch và đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp viễn thông khác. Dẫn chứng cụ thể về mối lo này chính là nghi vấn VNPT và Viettel “bắt tay” nhau nâng giá cước thuê kênh, nâng giá cước 3G (đây là 2 vấn đề đang được dư luận xã hội đặt ra nhiều câu hỏi).
Đó là câu chuyện của thị trường, còn dưới góc độ pháp lý, bản Đề án cũng được chỉ ra là có khá nhiều điểm chưa thoả đáng. Theo những quy định hiện hành như Nghị định 25/2011/NĐ-CP thì việc một tổ chức, cá nhân sở hữu trên 20% vốn trong một doanh nghiệp viễn thông sẽ không được sở hữu trên 20% vốn của doanh nghiệp viễn thông khác; cấm tập trung kinh tế khi thị phần kết hợp chiếm trên 50% thị phần... Câu hỏi đặt ra ở đây là, phải chăng đây là một hình thức “lách” luật, và rằng, Luật chỉ cấm tổ chức, cá nhân cùng lúc sở hữu trên 20% vốn tại 2 doanh nghiệp viễn thông chứ không cấm “cơ quan Nhà nước”, mà cụ thể ở đây là Bộ Thông tin và Truyền thông.
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, việc chia, tách VNPT theo như bản Đề án nêu thực chất không khác gì việc 2 doanh nghiệp này ở chung một ngôi nhà là VNPT như trước đây. Và điều này vô hình chung đã làm mất đi tinh thần tái cơ cấu thị trường mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khi còn là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ từng nhấn mạnh: “Và chắc chắn trong VNPT sẽ chỉ còn 1 nhà khai thác để đảm bảo sự lành mạnh của thị trường di động và thúc đẩy kinh tế phát triển”.
Bộ Thông tin và Truyền thông khi ban hành Nghị định 25/2011/NĐ-CP cũng cho rằng, sở dĩ phải đưa ra quy định mức “sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần” để tránh tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh. Và theo thông tin Năng lượng Mới nắm được, trong quá trình xây dựng Nghị định này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành tham khảo kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có nước quy định là 10% nhưng cũng có nước quy định là 30%. Và sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra phương án là 20%.
Tái cơ cấu thị trường viễn thông là nhu cầu tất yếu, trong đó tái cơ cấu VNPT – doanh nghiệp đang năm 2/3 ông lớn của thị trường được xem là yếu tố quyết định ảnh hưởng trực tiếp tới tiến trình đó. TS Mai Liêm Trực - Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông khi đưa quan điểm về thị trường viễn thông Việt Nam trước báo chí đã thẳng thắn chỉ ra rằng: Với 95% - 99% doanh nghiệp viễn thông là Nhà nước, tức là cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông giống như mấy anh em trong một gia đình, cha mẹ cho ra ở riêng nên chưa có cạnh tranh thực sự. Việc “chưa có cạnh tranh thực sự” thể hiện ngay ở nhiều chính sách của Nhà nước. Thí dụ như liên quan đến công nghệ 4G. Tại sao cơ quan Nhà nước lại chưa cấp phép 4G mà lại để đến tận năm 2015 mới được cấp phép? Lý lẽ của Bộ Thông tin và Truyền thông là để doanh nghiệp có thời gian hòa vốn cho công nghệ 3G. Việc hòa vốn ra sao, khi nào không phải là việc của Nhà nước, mà là việc của doanh nghiệp. Quản lý Nhà nước phải là điều gì có lợi cho dân thì phải làm.
Khách hàng, người tiêu dùng trông chờ vào việc tái cơ cấu thị trường viễn thông, nhưng xem ra kỳ vọng vào một thị trường cạnh tranh vẫn khá xa vời. Điều này đồng nghĩa với việc không thể kỳ vọng vào một cuộc đua quyết liệt trên thị trường viễn thông trong tương lai gần mà về cơ bản, cuộc đua đó sẽ có lợi cho người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.