Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sân chơi Văn học tuổi 20: Tiếp sức cho tác giả trẻ dấn bước

Hạ Yến| 02/06/2022 10:48

(HNMCT) - Văn học tuổi 20 mùa 7 đã kết thúc, là năm thứ hai liên tiếp không tìm được chủ nhân của giải nhất. Song, quan trọng hơn cả là sân chơi Văn học tuổi 20 đã và đang thực hiện được “sứ mệnh” phát hiện, giới thiệu sáng tác có giá trị, tìm ra những tác giả có triển vọng và cổ vũ họ dấn bước, đồng thời mở ra cơ hội cho các bạn trẻ thử sức cùng văn chương.

Một số tác phẩm trong Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 7.

Được khởi động từ năm 1994, gần 20 trôi qua, Giải thưởng Văn học tuổi 20 là cái nôi ươm mầm nhiều cây bút nổi tiếng như Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Việt, Trương Anh Quốc, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Thụy... Sức hút của Văn học tuổi 20 chưa bao giờ vơi khi qua 7 kỳ tổ chức đã có 2.133 tác phẩm dự thi với số lượng tác giả gần tương đương. Mỗi mùa thi đều có sự tăng dần về số lượng tác phẩm. Nếu Văn học tuổi 20 lần 5 thu hút 328 tác phẩm dự thi thì sang lần 6, có tới 458 tác phẩm được gửi đến tham dự. Năm nay, Văn học tuổi 20 đã nhận được 511 tác phẩm.

Giải thưởng Văn học tuổi 20 luôn quy tụ đông đảo tác giả trẻ trên khắp mọi miền đất nước, thậm chí cả những người đang học tập, sinh sống ở nước ngoài như nhà văn Phan Việt trước đây hay tác giả Duy Ân đang du học tại Mỹ với tập truyện ngắn “Nửa lời chưa nói” mới đây. Điều này có thể được chứng minh qua những giải nhất đã được trao trong 7 kỳ tổ chức. Đó là Nguyên Hương ở Đắk Lắk với “Quà muộn”, Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mau) với “Ngọn đèn không tắt”, Trần Thị Hồng Hạnh (Sóc Trăng) với “Bài học đầu tiên”, Trương Anh Quốc (Quảng Nam) với tiểu thuyết “Biển”, hay cây bút trẻ Nhật Phi của Hà Nội với “Người ngủ thuê”...

Giải thưởng Văn học tuổi 20 mở ra cánh cửa mới cho các tác giả trẻ, tiếp sức cho họ dấn bước trên con đường văn chương. Bà Phan Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc NXB Trẻ khẳng định: "Giải thưởng Văn học tuổi 20 đã phát hiện, đánh thức, gọi tên một lực lượng sáng tác trẻ, góp cho văn đàn Việt Nam một tài sản có ý nghĩa, với hơn 50 tác giả được vinh danh và 63 tác phẩm được trao thưởng”.

Các tác giả dự thi Văn học tuổi 20 có ngành nghề đa dạng, từ giáo viên, nhà báo, kỹ sư, bác sĩ, công nhân, nhà kinh doanh đến học sinh, sinh viên. Như nhà văn Nguyên Hương trước đây đến với Văn học tuổi 20 khi còn là cô thợ may mới ngoài 20 tuổi, hay tác giả Phả Nguyện đang là chàng trai 9x kinh doanh cà phê ở thành phố Hồ Chí Minh với tác phẩm đầu tay “Kẻ săn chuột”...

Nhận thấy cơ hội cho con đường văn chương của mình, không ít tác giả đã nhiều lần gửi tác phẩm dự Giải thưởng Văn học tuổi 20. Có thể kể đến Nguyễn Dương Quỳnh đã 3 lần vào chung khảo với “Thị trấn của chúng ta”, “Thỏ rơi từ mặt trăng”, “Ngủ ngon nhé, nàng thơ”; Mai Thanh Nga với “Chộn rộn xứ người”, “Lũ chim thích chọn cành khô”; Nguyên Nguyên với “Cánh đồng ngựa”, “Có thú dữ trong thành phố”; Hiền Trang với “Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa” và mới đây là “Chopin biến mất”.

Trong cuốn sách của mình, Hiền Trang chia sẻ: “Không phải ai cũng có thể đánh những bản Etude của Chopin, không phải ai cũng có thể vẽ, sửa xe hay thiết kế những ngôi nhà, nhưng bất cứ ai trong cuộc đời này, vào một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, cũng đều cầm bút viết một cái gì đó”.

Viết một cái gì đó, như tác giả Nguyễn Thu Hằng (giải ba Văn học tuổi 20 lần 7 với “Chuồng cọp trên cao”) tâm sự: “Với tôi, tuổi 20 không hẳn chỉ là con số mà còn là những cảm xúc thanh xuân của tâm hồn”. Những cảm xúc rất cần được viết ra, cho chính bản thân và cho độc giả thế hệ của mình, bởi Giải thưởng Văn học tuổi 20 đâu chỉ tìm kiếm và phát hiện các tác giả, mà còn để qua đó, những độc giả trẻ đương thời tìm thấy những rung cảm đồng điệu. Đó cũng là lý do để Văn học tuổi 20 lần 6 có riêng một giải dành cho tác phẩm được bạn đọc bình chọn nhiều nhất.

Từ năm 2019, Văn học tuổi 20 chuyển qua một cách thức tổ chức mới: Không phát động thành cuộc thi mà những bản thảo phù hợp với tiêu chí do Ban tổ chức đề ra sẽ được chọn in trong Tủ sách Văn học tuổi 20. Định kỳ 3 năm 1 lần, Hội đồng chung khảo sẽ chọn trong số các tác phẩm đã in của Tủ sách để xét trao giải.

Bởi vậy, phấn đấu để được in trong Tủ sách là “đích đến” của nhiều tác giả lần đầu chạm ngõ văn chương. Cây bút trẻ Yang Phan chẳng hạn, khi gửi tác phẩm chỉ đặt mục tiêu có truyện được in trong Tủ sách nhưng mới đây đã “ẵm” giải nhì của Văn học tuổi 20 lần 7. Những giải thưởng, những cuốn sách được chọn cho Tủ sách Văn học tuổi 20 như một “tấm bằng” chứng minh về khả năng viết, khả năng biểu đạt của các tác giả trẻ, thôi thúc họ vững tin tiếp bước vào thế giới của ngôn từ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sân chơi Văn học tuổi 20: Tiếp sức cho tác giả trẻ dấn bước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.