Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sakya - tu viện tráng lệ của Tây Tạng

Bài và ảnh: Trần Ngọc Nga| 27/03/2022 05:33

(HNMCT) - Nằm ở phía tây nam, cách thành phố Shigatse thuộc khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc) khoảng 150km là tu viện Sakya - một trong những nơi quan trọng nhất của giáo phái Sakya.

Do không nằm trên trục đường chính trong các tour tham quan nên đa số khách du lịch sẽ bỏ qua địa điểm này. Không nhiều người biết rằng, tu viện Sakya từng rất nổi tiếng, được coi là kho báu của Phật giáo khi Sakya trở thành giáo phái mạnh nhất của Tây Tạng thời kỳ nhà Nguyên (thế kỷ XIII).

Nhiều thế kỷ trôi qua, hiện nay, tu viện nằm ở nơi khá hẻo lánh, dân cư thưa thớt, nghèo nàn, khiến nhiều du khách khi đến đây đều không khỏi ngạc nhiên và đặt câu hỏi vì sao ở giữa mảnh đất xác xơ, điêu tàn thế này lại có một tu viện nguy nga, lộng lẫy đến thế!

Tu viện Sakya được coi là kho báu Phật giáo của giáo phái Sakya.

Quá khứ huy hoàng

Vào thế kỷ XIII, khi nhà Nguyên do Hốt Tất Liệt cai trị phát triển cực thịnh thì vương triều Thổ Phồn (Tây Tạng ngày nay) đã sụp đổ từ lâu. Các giáo phái mọc lên như nấm, phân tranh quyền lực liên miên. Với tham vọng thống nhất các vùng đất, Hốt Tất Liệt muốn tìm kiếm một giáo phái, bồi dưỡng và phát triển quyền lực để toàn bộ khu vực Tây Tạng phải quy thuận theo giáo phái ấy.

Trong bối cảnh chính trị hết sức phức tạp, giáo phái Sakya trở thành giáo phái mạnh nhất của Tây Tạng thời kỳ đó. Tuy chỉ tồn tại chừng 100 năm và tan vỡ khi triều Nguyên sụp đổ, nhưng giáo phái Sakya đã có ảnh hưởng rất lớn tới cục diện của cả vùng đất Tây Tạng. Lần đầu tiên trong lịch sử Tây Tạng, giáo phái Sakya thiết lập chính quyền với mô hình kết hợp giữa tôn giáo và chính trị.

Trụ sở của giáo phái được đặt ở tu viện Sakya với độ cao 4.300m so với mực nước biển, nằm nép mình trên một ngọn đồi. Sông Zhongqu chia tu viện thành hai phần. Ngôi đền phía Bắc được xây dựng vào năm 1073 trên sườn đồi với hơn 100 căn phòng, tuy nhiên nó đã bị phá hủy trong cách mạng văn hóa những năm 1960 ở Trung Quốc.

Ngày nay, chỉ còn ngôi đền phía Nam, được xây dựng vào năm 1268, còn tồn tại tương đối nguyên vẹn. Tu viện Sakya được mệnh danh là “Đôn Hoàng thứ hai” bởi kho tàng tranh tường, pháp khí, thangka (tranh thêu hoặc tranh vẽ chủ đề Phật giáo) vẫn còn nguyên vẹn màu sắc tới tận ngày nay và hơn 40.000 tập kinh, sách viết tay bằng tiếng Tây Tạng, tiếng Phạn, tiếng Trung và tiếng Mông Cổ. Đặc biệt, ở tu viện Sakya còn lưu giữ bức thư viết tay của ngài Ban Trí Đạt gửi các bậc đại trí đại đức và tín đồ nhằm thuyết phục các giáo phái và thủ lĩnh địa phương ở Tây Tạng quy hàng triều Nguyên.

Giá sách của tu viện Sakya cao 11m, rộng 57m, chứa các quyển kinh và sách Phật giáo.

Tu viện tráng lệ

Ngôi đền nam Sakya được xây dựng trong 20 năm và có cấu trúc hoàn toàn khác với ngôi đền Phật giáo ở Tây Tạng trước đó. Nó được thiết kế theo bố cục thành lũy của người Hán, bao quanh ngôi đền là bức tường rất cao, ở giữa là Phật điện và đền đài đan xen. Bốn phía là những bức tường thành được xây đắp bằng bùn đất, trên tường thành có chòi canh và bia bắn tên, ở chính giữa xây thêm chòi gác kiên cố. Bên ngoài có hào sâu, cống nước ngầm. Toàn bộ công trình chỉ có duy nhất một cổng chính ở phía Đông, phía trên là đài quan sát. Cổng thành xây dựng kiểu vòm hình chữ T, bên trong có cửa tò vò. Phía trên vòm cổng có khoan các lỗ nhỏ để nếu quân địch tấn công vào thành thì có thể ném đá hoặc những thứ khác thông qua lỗ này. Sakya tuy là một tu viện nhưng kiến trúc của nó chẳng khác nào một thành trì được canh giữ cẩn mật. 

Nhìn từ xa, tu viện Sakya nổi bật bởi bức tường bên ngoài màu đỏ và xám. Điện Lakhang Chenmo (Main Chanting Hall) vô cùng nguy nga với sức chứa tới 10.000 tăng sĩ ngồi thiền cùng một lúc. Bên trong chính điện là tượng của 3 người đã sáng lập ra phái Sakya.

Thứ nhất là tượng Khon Konchok Gyalpo - người sáng lập giáo phái Sakya. Tiếp đến là con trai của Konchok Gyalpo - Kunga Nyingpo, người đã cai quản giáo phái Sakya suốt 48 năm, thu nhận vô số đệ tử và khiến giáo phái không ngừng lớn mạnh. Thứ 3 là bức tượng Dragpa Gyaltsen - người mà dưới thời của ngài, tầm ảnh hưởng của Sakya đã vượt ra phạm vi vùng hậu Tạng. Thứ quý giá nhất của tu viện Sakya là giá sách cao 11m chạm trần, rộng 57m chứa các quyển kinh, sách Phật giáo. Có những bộ kinh được viết trên lá cây hoặc bằng vàng. Tập kinh Phật lớn nhất thế giới ghi lại lịch sử, tôn giáo, triết học, nông nghiệp của người Tây Tạng được cất giữ tại đây. Sakya còn nổi tiếng vì những bức tranh tường và thangka có từ triều đại nhà Nguyên (1271 - 1368). Trong số đó có bức tranh tường quý giá mô tả cuộc gặp của người đứng đầu giáo phái với Hốt Tất Liệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sakya - tu viện tráng lệ của Tây Tạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.