(HNM) - Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa trình Quốc hội cho thấy, qua kiểm toán tại 8 dự án BOT và 7 dự án BT, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý hàng nghìn tỷ đồng.
Nhiều sai phạm
Kết quả kiểm toán tại 8 dự án BOT và 7 dự án BT trong năm 2018 do Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV cho thấy, hầu hết các dự án đều chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu; xác định sai, làm tăng tổng mức đầu tư. Đơn cử, dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì nối quốc lộ 32 với quốc lộ 32C tăng 20,17 tỷ đồng; dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ ĐT830 và ĐT824 từ cầu An Thạnh đến thị trấn Đức Hòa, tỉnh Long An tăng 10,6 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí (Quảng Ninh) tăng 98,7 tỷ đồng…
Dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ ĐT830 và ĐT824 từ cầu An Thạnh đến thị trấn Đức Hòa, tỉnh Long An. Ảnh: Gia Hân |
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, vấn đề nghiệm thu, thanh toán sai vẫn tiếp tục tồn tại. Kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2018 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 836,4 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.059 tỷ đồng. Trong đó, có dự án tỷ lệ xử lý lớn như dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18, đoạn Bắc Ninh - Uông Bí, giá trị xử lý tài chính bằng 11% giá trị được kiểm toán.
Qua kiểm toán tại 7 dự án BT trong năm 2018, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng... Hầu hết các dự án BT đều chỉ định thầu, thậm chí đề xuất dự án không thông qua Hội đồng nhân dân. Các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền, nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách, là chưa phù hợp với quy định hiện hành.
Việc thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, được Kiểm toán Nhà nước xác định là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách lớn. Kiểm toán Nhà nước cũng xác định, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư tại một số dự án trái với quy định của Luật Đất đai. Ngoài ra, việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án cũng dễ dẫn đến thất thoát ngân sách...
Cần siết chặt kiểm soát
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, nhiều năm qua, Kiểm toán Nhà nước liên tục chỉ ra bất cập trong việc thực hiện các dự án BOT, BT. Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị đã đến lúc phải chấm dứt hoàn toàn việc thực hiện dự án theo hình thức này, nhưng nhiều địa phương vẫn tiếp tục triển khai dự án với lý do thiếu vốn đầu tư phát triển.
Trước những sai phạm đã được chỉ rõ tại các dự án BOT, BT nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Nhà nước cần phải kiểm soát chặt hơn nữa với các dự án này.
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho biết, hầu hết các dự án BT đều thực hiện theo dạng chỉ định thầu. Cơ chế cách đây hơn 10 năm, khi dùng thuật ngữ "đổi đất lấy hạ tầng" thì đều là dự án do nhà đầu tư đề xuất, thậm chí họ cũng chỉ ra những khu đất dùng để đổi xây dựng cơ sở hạ tầng. Những dự án được thực hiện theo hình thức BT đều phát sinh các sai phạm, vì có thể nói, bản chất đã bị mắc từ "gốc" khi mà cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện việc đấu thầu các dự án. "Đổi đất lấy hạ tầng" đã tạo ra rất nhiều khoảng trống gây ra thiệt hại đáng kể với nhà nước, xã hội.
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, cái gốc của BOT lĩnh vực giao thông vẫn là chưa minh bạch. Từ khâu đấu thầu, xây dựng, đặt trạm thế nào đều cần phải minh bạch, rõ ràng. Vấn đề thấy rõ ở đây là các dự án BOT không có sự kiểm soát chặt chẽ nên được đặt ở những vị trí không đúng, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp. Mức phí, thời gian thu phí mà doanh nghiệp BOT thu cũng không minh bạch. Những điều đó khiến cho người dân, doanh nghiệp bức xúc và phản ứng. Để khắc phục những vấn đề tồn tại của BOT, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ: Tài chính, Giao thông - Vận tải và bất kỳ dự án nào cũng cần được kiểm toán chặt chẽ.
Về tình trạng hụt thu tại các dự án BOT giao thông, ngày 9-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản giao Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu, xử lý kịp thời phản ánh của báo chí. Các dự án BOT bị hụt thu có dấu hiệu lan rộng là vấn đề đáng lo ngại trong hoạt động thu hút vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, đánh giá những cơ chế xử lý các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng BOT. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu, xử lý kịp thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.