Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sách mới: Hoa đào năm ngoái

Hoàng Định| 10/01/2010 07:04

Ngô Vĩnh Bình là người rất có ý thức với những sự kiện, xu hướng hay nhân vật tiêu biểu của từng giai đoạn văn học. Có thể thấy điều ấy khi biết thời gian những cuốn tiểu luận, phê bình của anh: “Nẻo vào văn học” 1983, “Một chặng đường văn học” 1999, “Chuyện thơ, chuyện đời” 2003, “Văn xuôi về đề tài chiến tranh cách mạng” 2006…


Tập mới nhất của anh, “Hoa đào năm ngoái”, vừa ra ở NXB Văn học, không nằm ngoài mạch trên, tất nhiên cũng có tính chất “biên niên”. Trong bài “Thay lời tựa”, sau khi “thấy” “Có người nói: Đối với phê bình ngại va chạm tức là không còn phê bình văn học nữa rồi”, Ngô Vĩnh Bình đưa ra quan niệm “phê bình văn học có muôn nẻo đến, có vạn nẻo về. Không thể chỉ có một kiểu...”. Cách tiếp cận của anh ấm áp, ít chê nhưng không quen xuê xoa. Ranh giới giữa thù tạc và ngắm nghía, phê bình rất mỏng manh, may là Ngô Vĩnh Bình vượt qua được để có những nhận định đáng nhớ.

Phần một, “Hoa đào năm ngoái” điểm những thời sự của các năm, chủ yếu từ cuối thế kỷ trước trở lại đây, cách viết dễ đọc, ít trích dẫn nhưng vẫn có vấn đề. Nhưng tôi thích phần hai, “Bóng người” hơn, ở chỗ nó cận cảnh, sắc nét, đậm tình với đối tượng. Đó là những người đa phần đã khuất, Bình từng được chung sống, làm việc, lưu lại những kỉ niệm đẹp hoặc đơn giản chỉ là “thích”: Khương Hữu Dụng, Thâm Tâm, Văn Cao. Đặc sắc nhất là các nhà văn quân đội: Vũ Cao, Thanh Tịnh, Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu, Hải Hồ, Thu Bồn..., cái tình thấm đẫm trong từng chữ. Không chỉ là văn tài, nơi họ còn bật lên tư cách, cách xử sự; cũng là một cách để đánh giá cái tầm.

Văn nghệ Quân đội còn một gương mặt rất đáng nhắc nhưng không có trong “Hoa đào...”: nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, người đề cập đến sự khắc nghiệt của chiến tranh từ rất sớm. Có lẽ Ngô Vĩnh Bình đã “kể” trong sách khác?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sách mới: Hoa đào năm ngoái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.