Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sắc tứ Khải Đoan tự

Hà Thành| 17/09/2022 06:45

(HNMCT) - Chùa Khải Đoan là một công trình đặc biệt bởi đây là ngôi chùa đầu tiên trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở Tây Nguyên, cũng là ngôi chùa cuối cùng được phong hiệu “Sắc tứ”. Chùa Khải Đoan là một địa chỉ không thể bỏ qua đối với Phật tử và du khách khi đến với thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

Chùa Sắc tứ Khải Đoan tự.

Ngôi chùa Sắc tứ cuối cùng 

Chùa Khải Đoan, tên chữ là “Sắc tứ Khải Đoan tự” (phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tọa lạc trên diện tích rộng 4ha, hài hòa cùng cảnh quan thiên nhiên và cây xanh. Tam quan quay ra đường Quang Trung, nhưng lối đi chính lại nằm trên đường Phan Bội Châu. Chùa quay hướng tây nam, nhìn xuống suối Đốc Học, lưng dựa vào khu phố theo thế “tiền thủy, hậu sơn” của kiến trúc truyền thống Việt. Công trình được Đoan Huy Hoàng thái hậu Hoàng Thị Cúc (chính phi của vua Khải Định, thân mẫu vua Bảo Đại) cho xây dựng năm 1951 và hỷ cúng phần lớn kinh phí. 

Năm 1953, chùa được sắc phong là “Sắc tứ Khải Đoan”. Dưới thời Nguyễn, từ vua Gia Long đến vua Bảo Đại, nhiều ngôi chùa trên cả nước được Sắc tứ. Đây là những ngôi chùa có quy mô lớn, được trang trí lộng lẫy, thường được gọi là “bửu sát” hay “đại bửu sát” - nghĩa là “chùa Phật quý”. Cũng có trường hợp, khi chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu lánh nạn Tây Sơn, trú ẩn trong một số chùa. Sau này khi lên ngôi, Nguyễn Ánh - tức vua Gia Long, nhớ ơn các tu sĩ đã giúp đỡ, che chở cho mình nên sắc phong cho những ngôi chùa ấy, thể hiện vị thế của chùa trong Phật giới cũng như xã hội.

Chùa “Khải Đoan” lấy 2 chữ đầu trong tên vua Khải Định và Đoan Huy Hoàng thái hậu nhằm ghi công người sáng lập. Năm 1953, mặc dù triều Nguyễn đã kết thúc, nhưng Bảo Đại vẫn là Quốc trưởng của quốc gia Việt Nam (miền Nam) và với định chế Hoàng triều Cương thổ ở Cao nguyên Trung phần (Tây Nguyên) thì Bảo Đại vẫn là hoàng đế của vùng đất này. Và đây là Sắc tứ cuối cùng của một vị vua ban cho một ngôi chùa Phật giáo.

Kiến trúc độc đáo

Chùa Khải Đoan có nhiều hạng mục như tam quan, chính điện, nhà giảng kinh, nhà Tổ, lầu chuông, lầu trống, tàng kinh các, tăng phòng... Các công trình kết nối với nhau hài hòa với kiến trúc ấn tượng. Mặc dù trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng nhưng chùa vẫn giữ được nét cổ kính nguyên thủy. Diện mạo chùa hiện nay là kết quả của lần trùng tu năm 2012.

Chính điện là công trình lớn nhất, có diện tích 320m2, gồm hai tầng. Tầng dưới được xây bằng gạch, đá - là nơi học tập, sinh hoạt của sư tăng; tầng trên bằng gỗ là nơi thờ. Về tổng thể, công trình có dáng dấp của nhà dài Ê Đê với bộ mái 2 tầng, nhưng cấu trúc lại theo kiểu nhà rường của Huế. Chính giữa phía trước chính điện có một sảnh được xây bằng đá với cầu thang hai bên. Phía trên là tượng Phật Thích Ca bằng đá trắng, tầng dưới là tượng Phật Di Lặc. Xung quanh điện thờ là hành lang dài, rộng. Vách và cửa gỗ được chạm trổ công phu hình ảnh đức Phật, La Hán, Bồ Tát và những hoa văn mang màu sắc Phật giáo.

Nội thất điện thờ có nhiều ô cửa thông thoáng, sử dụng kiến trúc kiểu “trùng thiềm điệp ốc” đặc trưng của cung đình Huế, tức là hai nếp nhà với hai hệ mái nối liền với nhau để mở rộng không gian. Điện thờ Phật có 5 gian với hệ thống tượng bằng đồng, được bài trí tôn nghiêm trên bệ thờ bằng gỗ quý.

Hai bên tả - hữu chính điện có lầu trống và lầu chuông. Lầu chuông treo đại hồng chung cao 1,15m, nặng 380kg, do các nghệ nhân phường đúc đồng ở kinh thành Huế hoàn thành vào tháng 1-1954. Đây là bảo vật hiến cúng của Hoàng tử Bảo Long và Bảo Thăng (con vua Bảo Đại). Bên hữu chính điện có tòa nhà tàng kinh các - một công trình hai tầng hoàn toàn bằng gỗ với hai tầng mái. Tầng 1 là nơi nghỉ ngơi, tầng 2 là thư viện kinh sách được lưu trữ khoa học.

Sau chính điện là nhà hậu Tổ. Công trình có cấu trúc giống chính điện với tầng 1 được xây bằng gạch, đá; tầng 2 bằng gỗ và phía trước có một sảnh nhưng kiến trúc đơn giản hơn. Điện thờ nhà hậu Tổ đặt trên tầng 2, nội thất bằng gỗ cũng kiểu nhà rường ở Huế. Ở gian giữa, phía trước đặt ban thờ và tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn, phía sau là nơi thờ các vị trụ trì chùa và những cao tăng có nhiều đóng góp cho Phật giáo Tây Nguyên. 

Trong khuôn viên chùa còn có một số hạng mục khác có quy mô nhỏ hơn như cây Bồ đề do Đại đức Narada tặng chùa Khải Đoan năm 1962, dưới cây có tượng Phật Thích Ca tọa thiền; Công đức tạng - kiến trúc tưởng niệm công đức tiền bối và cũng là nơi an trí nhục thân cố hòa thượng Thích Quang Huy, trụ trì chùa Sắc tứ Khải Đoan (1963 - 1993); Quan Âm các - một công trình kiến trúc độc đáo.

Chùa Khải Đoan được coi là trung tâm Phật giáo của Đắk Lắk và Tây Nguyên, vì thế còn được gọi là chùa Lớn hay chùa Tỉnh. Chùa cũng là trụ sở của Ban trị sự Phật giáo tỉnh Đắk Lắk. Với lịch sử đặc biệt và kiến trúc độc đáo, đây là một một địa chỉ không thể bỏ qua đối với Phật tử và du khách khi đến với thành phố cao nguyên Buôn Ma Thuột.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắc tứ Khải Đoan tự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.