(HNM) - Giữa lúc quan hệ liên Triều chưa có dấu hiệu
Thủ tướng Shinzo Abe vừa chính thức thông qua quyết định bãi bỏ một số biện pháp trừng phạt từng áp đặt với Triều Tiên để đổi lấy việc Bình Nhưỡng hợp tác giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc từ những năm 70 và 80 của thế kỷ trước.
Thủ tướng Nhật Bản S.Abe phát biểu trước báo giới về quyết định nới lỏng trừng phạt Triều Tiên. |
Là rào cản lớn trong thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Tokyo luôn coi việc giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc như điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ song phương. Năm 2002, Triều Tiên đã thừa nhận có 13 công dân Nhật Bản bị bắt cóc trong giai đoạn từ năm 1970 đến 1980, trong đó 8 người đã qua đời và 5 người còn lại được hồi hương. Tuy nhiên Tokyo cho rằng đã có 17 người Nhật Bản bị bắt cóc, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng tiếp tục điều tra và trao trả những công dân hiện được cho là vẫn sống tại Triều Tiên. Năm 2008, Triều Tiên đã cam kết điều tra lại vấn đề này, song kết quả chưa làm Tokyo hài lòng. Đến tháng 12-2012, các cuộc đàm phán về vấn đề này tiếp tục bị trì hoãn khi Bình Nhưỡng tiến hành bắn thử tên lửa tầm xa.
Sau nhiều nỗ lực từ hai phía với không ít cuộc đàm phán được tiến hành, kết thúc cuộc đối thoại liên chính phủ ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đầu tháng 7 vừa qua, Nhật Bản đã quyết định bãi bỏ một số biện pháp cấm vận đối với Triều Tiên để đổi lấy việc Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một cuộc điều tra mới về những người Nhật Bản bị bắt cóc có thể còn sống sót. Các biện pháp được bãi bỏ gồm xóa lệnh cấm công dân Triều Tiên tới Nhật Bản, miễn chứng minh tài chính trên 1.000 USD đối với công dân Triều Tiên đến Nhật Bản và cho phép một số tàu Triều Tiên cập cảng Nhật Bản. Các biện pháp này được dỡ bỏ từ ngày 4-7 sau khi Ủy ban điều tra đặc biệt được Triều Tiên chính thức thành lập.
Giới phân tích cho rằng, quyết định trên ít có giá trị lớn về kinh tế mà mang tính biểu tượng về chính trị nhiều hơn. Động thái này ít nhiều đã đánh dấu sự ấm lên trong mối quan hệ băng giá giữa Nhật Bản và Triều Tiên suốt nhiều năm qua. Trong phát biểu với báo giới sau khi công bố quyết định trên, Thủ tướng S.Abe cho biết Triều Tiên tiến hành điều tra với một cơ chế chưa từng có, có sự tham gia của những cơ quan có quyền đưa ra các quyết định mang tính quốc gia của Triều Tiên. Quyết định trên được xem là một thỏa thuận bước ngoặt. Song Thủ tướng S.Abe - người đã đưa ra cam kết giải quyết vấn đề công dân bị bắt cóc trong nhiệm kỳ của mình - đang phải đối mặt không ít thách thức. Khó khăn của ông S.Abe là phải vừa duy trì các cuộc tham vấn chặt chẽ với Triều Tiên vừa phải bảo đảm rằng điều này không xung đột với nỗ lực của Mỹ, cũng như các quốc gia láng giềng, trong việc kiềm chế tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Quyết định của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh nhạy cảm khi tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn chìm trong bế tắc. Đã có không ít ý kiến lo ngại về khả năng mất kiểm soát với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng khi quan hệ Nhật Bản - Triều Tiên bất ngờ được cải thiện. Trong một phản ứng mới nhất, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hoan nghênh quyết định trên của Nhật Bản nhưng cũng bày tỏ hy vọng đây là động thái "minh bạch", không ảnh hưởng đến những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, việc Nhật Bản và Triều Tiên cải thiện quan hệ thông qua đàm phán sẽ đóng vai trò tích cực cho hòa bình và ổn định tại khu vực. Và cũng chỉ ít giờ sau khi Nhật Bản đưa ra quyết định trên, Mỹ lập tức lên tiếng ủng hộ Tokyo trong nỗ lực tìm kiếm sự giải thoát cho các công dân Nhật Bản bị bắt cóc. Washington cho rằng Tokyo đang theo đuổi cách thức giải quyết vụ việc một cách minh bạch, dựa trên lợi ích của các gia đình bị hại cũng như lợi ích an ninh quốc gia của các bên liên quan trong nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki không quên nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tokyo trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Quan hệ Nhật Bản - Triều Tiên vừa ghi nhận một bước tiến mới trong nỗ lực giảm thiểu bất đồng để từng bước tiến tới việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao. Song làm thế nào để tách bạch vấn đề này với an ninh quốc gia cũng như những nỗ lực quốc tế nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên là sự cân bằng không đơn giản với Chính phủ của Thủ tướng S.Abe. Thế nhưng, dù thế nào một cách tiếp cận mềm dẻo hơn với Triều Tiên cũng đang mang đến những sắc thái mới mẻ cho "sân khấu chính trị" Đông Bắc Á.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.