Là sa mạc lớn nhất ở Trung Quốc và lớn thứ hai trên thế giới, sa mạc Taklamakan nổi tiếng với khí hậu khắc nghiệt, sự chênh lệch nhiệt độ quá cao giữa ngày và đêm, những cơn bão cát dữ dội quanh năm... Nhưng với sự cố gắng của con người, nơi đây đang trở thành trung tâm phát triển bền vững.
Vùng đất chết
Taklamakan là sa mạc ôn đới ấm điển hình. Với diện tích rộng khoảng 337.600km2, toàn bộ chiều dài từ đông sang tây là 1.000km, chiều rộng từ nam lên bắc là 400km, đây là sa mạc lớn nhất ở Trung Quốc và lớn thứ hai trên thế giới.
Khí hậu ở Taklamakan vô cùng khắc nghiệt, vào mùa hè nhiệt độ cao nhất lên tới 45,6oC, lúc đó nhiệt độ bề mặt có thể lên tới 70oC; nhiệt độ thấp nhất vào mùa đông đôi khi xuống dưới -20°C. Sự chênh lệch về nhiệt độ giữa ngày và đêm có thể lên tới trên 40oC. Lượng mưa hằng năm dưới 100mm, trong khi lượng bốc hơi đạt 2.500 - 3.400mm, khiến đất đai vô cùng khô cằn. Sự chuyển động của cát diễn ra thường xuyên quanh năm, rất dữ dội. Số ngày bão cát chiếm 1/3 thời gian trong năm, tốc độ gió lớn nhất lên tới 300m/s. Độ cao trung bình của các cồn cát là 100 - 200m, lớn nhất đạt tới 300m. Các đụn cát di động chiếm hơn 80% diện tích sa mạc Taklamakan.
Sự khắc nghiệt đó được thể hiện qua tên gọi của sa mạc này - Taklamakan, theo tiếng Duy Ngô Nhĩ có nghĩa là “chỉ có thể đi vào mà không thể đi ra”. Đối với người Trung Quốc, nơi này còn được gọi là “Biển tử thần”. Tuy vậy, sa mạc này là vùng đất chứa đầy những điều bí ẩn và huyền sử, từng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với giao thương Á - Âu. Để vượt qua sa mạc rộng lớn bằng con đường ngắn nhất có thể, các thương nhân đã vạch ra hai con đường, đều men theo vành đai Taklamakan và những ốc đảo dọc đường đi đóng vai trò là các trung tâm thương mại trên Con đường tơ lụa.
Với những dấu tích khảo cổ vẫn còn đến ngày nay, người ta biết rằng trong sa mạc Taklamakan từng tồn tại rất nhiều nhà cửa, đền đài. Nhà cửa, đền miếu của thành cổ Loulan (Lâu Lan) dần hiện hình sau các đợt khai quật và những xác ướp có niên đại gần 4.000 năm cũng được tìm thấy ở vùng này.
Hồi sinh
Từng bị coi là vùng đất chết, ít ai ngờ giờ đây sa mạc Taklamakan đã hồi sinh nhờ “quyết tâm thép” của chính quyền và người dân nơi đây. Ngày 27-9-2021, Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng dự án Hotan-Ruoqiang - tuyến đường sắt dài 825km trên sa mạc Taklamakan, một phần quan trọng của tuyến đường sắt vòng quanh sa mạc lớn nhất nước này.Bên cạ
nh đó, Trung Quốc đã xây dựng thành công các tuyến đường cao tốc xuyên sa mạc. Đường cao tốc sa mạc Tarim - đi qua sa mạc Taklamakan ở Khu tự trị Tân Cương - không chỉ là đường cao tốc lớn nhất từng được xây dựng trên sa mạc, mà còn là thành tựu thực sự trong ngành kỹ thuật Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc có hơn 1.200km đường cao tốc xuyên sa mạc Taklamakan.
Để bão cát không vùi lấp đường cao tốc, các kỹ thuật viên đã xây dựng một vành đai xanh khổng lồ ở hai bên đường với các đường ống tưới nhỏ giọt giúp thảm thực vật có thể phát triển dưới cái nắng thiêu đốt. Được biết, để duy trì cơ sở hạ tầng khổng lồ này, chính phủ Trung Quốc đã thuê một đội ngũ công nhân đông đảo làm việc ở chân đường cao tốc. Cứ 4km lại có một ngôi nhà nhỏ màu xanh lam được cấp cho 2 người ở. Mỗi cặp sẽ ở đây tối đa trong 2 năm nhằm giám sát và sửa chữa hệ thống thủy lợi trên đoạn đường cao tốc mà họ được giao.
Kể từ năm 2003, Trung Quốc đã trồng khoảng 2 triệu cây mỗi năm, xây dựng hàng chục giếng nước và tăng kích thước của vành đai chống cát lên khoảng 70m chiều rộng và 400km chiều dài ven cao tốc trên sa mạc Taklamakan. Việc trồng cây trên đường cao tốc Tarim là một ví dụ điển hình về cách phát triển hệ thống tưới tiêu ở những vùng khô hạn. Bên cạnh đó, việc trồng rừng và trồng cây ăn trái liên tục được thử nghiệm và đã thu được thành công phần nào, tạo ra những ốc đảo xinh đẹp và những khu rừng sinh thái.
Thành tựu nổi bật nhất trong phát triển kinh tế tại sa mạc này là các dự án điện mặt trời, điện gió và sản xuất hydro quy mô lớn giúp sa mạc Taklamakan lột xác từ vùng đất chết thành nguồn cung cấp điện sạch cho Tân Cương. Phần phía nam sa mạc Taklamakan hưởng lợi từ ánh sáng mặt trời dồi dào, cung cấp 1.600 giờ phát điện mỗi năm.
Trong đó, nhà máy điện ở huyện Lạc Phổ, địa khu Hòa Điền, có tổng công suất lắp đặt 200 megawatt (MW), sản xuất 360 triệu kWh điện hằng năm. Mỗi năm, nhà máy giúp tiết kiệm 110.000 tấn than đá tiêu chuẩn, giảm 330.000 tấn carbon dioxide và 1.300 tấn nitơ dioxide. Dự án này cũng trang bị hệ thống lưu trữ năng lượng với công suất 80.000 kWh. Trong điều kiện trời mưa, khi nhà máy không thể sản xuất điện, hệ thống lưu trữ đóng vai trò như ngân hàng điện, cung cấp năng lượng trong khoảng 2 giờ...
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia, Trung Quốc hướng tới thúc đẩy xây dựng các nhà máy điện mặt trời và điện gió quy mô lớn ở vùng sa mạc. Lưới điện đang dần được liên kết quanh bồn địa Tarim, điện sản xuất từ nguồn năng lượng sạch không chỉ cung cấp cho Tân Cương mà còn góp phần vào mục tiêu không thải carbon của toàn vùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.