(HNMCT) - Ở cả những góc hẻo lánh nhất trên trái đất, chúng ta vẫn có thể tìm thấy kỳ quan do con người dựng nên. Thung lũng M’zab tại Algeria là một trong những nơi như vậy. Từ rất lâu rồi, trên sa mạc Sahara khắc nghiệt, người Mozabite (một nhánh của dân tộc Berber ở Bắc Phi) xây nên 5 thành phố.
Thung lũng đá vôi
M’zab là khu di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận. Thung lũng này nằm ở tỉnh Ghardaïa của Algeria. Cách duy nhất để du khách đến được M’zab là đi ô tô từ thành phố Laghouat dọc theo đường quốc lộ 1. Vào đầu thế kỷ thứ VIII, một bộ lạc du mục gốc Berber chọn thung lũng M’zab làm nơi ở mới của mình. Họ lấy mảnh đất bên sông Wadi M’zab - con sông chỉ dâng nước 3 năm một lần, làm nơi dựng nhà. Cứ thế theo thời gian, làng mạc của người Berber trở thành 5 thành phố được bao bọc bởi những bức tường đá vôi Beni Isguen, Bounoura, El-Ateuf, Ghardaïa và Melika.
Đến M’zab, ấn tượng đầu tiên với du khách là màu vàng của đá vôi. Từ những ngôi nhà vuông vắn nhỏ xinh đến từng đoạn tường thành sừng sững, tất cả được xây bằng đá vôi. Nhờ đá vôi mà 5 thành phố trong lòng thung lũng M’zab mới đứng vững được trước cuộc “tấn công” không ngừng nghỉ của gió, cát và nắng.
Năm thành phố này được xây như những pháo đài thực thụ, người phía trong công thủ đều dễ. Ở trung tâm mỗi thành phố là một thánh đường Hồi giáo. Người đứng trên nóc tòa tháp thánh đường có thể nhìn bao quát được cả một vùng rộng lớn. Trong trường hợp quân địch phá được tường thành, người dân sẽ lui về cố thủ trong thánh đường. Dưới hầm của thánh đường là kho lương thực và kho vũ khí để người dân tiếp tục chiến đấu trong vài tháng.
Thay vì chia theo đơn vị khu phố, những ngôi nhà tại các thành phố M’zab được xếp thành từng vòng tròn đồng tâm. Hình dáng, chiều cao, màu sắc của những ngôi nhà có thể khác nhau nhưng diện tích đất đều bằng nhau. Người Mozabite tin rằng sự bình đẳng giữa người với người đều bắt đầu từ gia đình. Vì vậy, khách du lịch nên giữ khoảng cách, kể cả khi được người Mozabite mời vào nhà. Họ vô cùng hiếu khách nhưng cũng rất thận trọng trong việc gia đình.
Khách du lịch ghé thăm Ghardaïa - thành phố lớn nhất trong thung lũng - có thể dành cả ngày chỉ để len lỏi giữa những con phố chật hẹp, bụi bặm nhưng cũng vô cùng lãng mạn. Du khách được khuyến cáo hạn chế chụp ảnh, không nên sử dụng điện thoại di động hay ăn mặc hở hang.
Melika nằm trên một ngọn đồi ở giữa bốn thành phố còn lại. Đây là nơi được nhiều du khách lựa chọn vì từ đây có thể nhìn thấy toàn cảnh thung lũng M’zab. Beni-Isguen - trung tâm tôn giáo của người Mozabite, là điểm đến hút khách nhờ những thánh đường cổ kính. Du khách chỉ được thăm Beni-Isguen vào giờ nhất định trong ngày, và luôn phải đi cùng hướng dẫn viên địa phương. Họ cũng không được nghỉ lại hay tổ chức ăn uống trong thành phố vì ở Beni-Isguen không có quán nước, nhà hàng hay khách sạn. Lựa chọn duy nhất của du khách là mua nguyên liệu rồi nhờ các bà nội trợ địa phương chế biến thành món ăn.
Nơi cuộc sống chậm lại
Thành phố Ghardaïa là nơi tập trung các hoạt động buôn bán. Dạo quanh khu chợ ở trung tâm Ghardaïa, du khách sẽ tưởng mình đi ngược thời gian 10 thế kỷ. Tại đây không được dùng biển hiệu hay biển quảng cáo. Mỗi con phố chỉ có bán một loại hàng hóa nhất định, ví dụ như phố vàng, phố thảm, phố hoa quả… Người Mozabite coi kỳ kèo ngã giá là hành động bất lịch sự, và du khách cũng chẳng lo mình bị thiệt. Giáo lý Hồi giáo dạy người Mozabite rằng làm nghề buôn bán không nên đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Các thương nhân thực ra cũng chỉ là người phục vụ cộng đồng của họ.
Món quà quý nhất mà du khách có thể mua về làm kỷ niệm là những tấm thảm. Mọi thứ nguyên liệu, mọi công đoạn để dệt nên tấm thảm đều được mỗi gia đình nghệ nhân tự tay thực hiện. Ở Ghardaïa có một khu phố gồm toàn các gia đình Do Thái sinh sống. Họ hoặc là làm thương lái vận chuyển hàng hóa từ bên ngoài vào thành, hoặc là sản xuất những đồ tạo tác bằng đồng như khuyên tai, vòng cổ, hộp đựng trang sức… Ngoài ra, người địa phương còn có một thứ “cà phê” làm bằng hạt chà là rang lên rồi giã thành bột.
Ngay khi tổ tiên người Mozabite đặt chân lên mảnh đất này, họ đã có ý thức trồng rừng để vừa có quả ăn, vừa có bóng mát, lại chống được cát thổi. Có những cây hơn 200 - 300 năm tuổi. Đối với người Mozabite, cây chà là nào cũng là cây thần cho họ nguồn sống; ngược lại, họ cũng tìm mọi cách để bảo vệ cây. Người Mozabite coi việc chặt cây chà là giống như lấy mạng ai đó. Du khách nên đến thăm M’zab vào tháng 5, 6 - dịp thu hoạch quả chà là. Những quả chà là đầu mùa sẽ được các gia đình Mozabite cất giữ cẩn thận để ăn vào tháng lễ Ramadan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.