(HNMO) - Chiều 1-6, thảo luận tại phiên toàn thể kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, cần nhìn nhận lại việc quyết toán ngân sách để rút ra bài học kinh nghiệm, đặc biệt là về những nội dung tồn đọng kéo dài trong nhiều năm.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường đối với 4 nội dung, gồm: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022; Về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.
Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, cần nhìn nhận lại việc quyết toán ngân sách để rút ra bài học kinh nghiệm, đặc biệt là về những nội dung tồn đọng kéo dài trong nhiều năm, cần có giải pháp chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm, thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện chính sách của Nhà nước.
Đại biểu cho biết, năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh, quyết toán ngân sách nhà nước đã tăng 17,2% dự toán, chi tăng 0,4% dự toán, dù có những phân tích, đánh giá nguyên nhân trong lập dự toán chưa sát, gây ảnh hưởng đến quá trình điều hành. Tuy vậy, để đạt được kết quả này cũng cần đến nhiều sự nỗ lực của các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương, sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi xem xét báo cáo của Chính phủ, vẫn còn một số vấn đề chưa được xử lý, còn ở mức độ tương đối nghiêm trọng. Cụ thể, một số nội dung giao dự toán còn chậm, bổ sung điều chỉnh vốn nhiều lần, công tác chuẩn bị đầu tư, đảm bảo đúng thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật không được thực hiện một cách đầy đủ, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản lớn…
Đại biểu đề nghị rà soát kỹ lại số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản, phân tích các nguyên nhân làm phát sinh lớn số nợ đọng xây dựng cơ bản, có phương án xử lý cũng như làm rõ trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương khi vi phạm hành vi cấm trong Luật Đầu tư công.
Cùng thảo luận về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, đằng sau cộng đồng doanh nghiệp là người lao động và các gia đình, của người dân nói chung. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường chỉ là phần nổi của tảng băng, các doanh nghiệp đang hoạt động cũng gặp phải khó khăn chồng chất. Đây chính là phần chìm của tảng băng, rất cần được quan tâm, tháo gỡ.
Đại biểu cho biết, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là thị trường, thị trường khó khăn dẫn đến tồn kho gia tăng, thiếu khả năng thanh khoản, nợ tăng cao, gây tác động dây chuyền lớn. Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, cần sử dụng một biện pháp quan trọng là giảm thuế, thúc đẩy thị trường phát triển.
Đại biểu cho rằng, thị trường thế giới đang khó khăn, nên việc tác động vào thị trường xuất khẩu cũng gặp nhiều thách thức, các biện pháp xúc tiến thương mại, đầu tư, mở mang thị trường sẽ không có nhiều tác dụng. Thị trường chúng ta có thể tác động được là thị trường trong nước. Trong những tháng qua, dù thị trường có tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ, tuy nhiên, vẫn còn trong xu thế suy giảm. Kích cầu thị trường trong nước là giải pháp quan trọng. Giảm thuế giá trị gia tăng sẽ vừa giúp "khoan thư sức dân", làm người tiêu dùng bớt khó khăn, đồng thời tác động ngay vào thị trường của các doanh nghiệp.
Về ngân sách nhà nước, đại biểu cho rằng có điều kiện thuận lợi để thực hiện chính sách này, thậm chí với quy mô rộng hơn. Đánh giá cao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc quản lý thời gian qua, đại biểu cho rằng, dư địa chính sách tài chính cho đến nay còn rất nhiều, do vậy, cần mở rộng chính sách tiền tệ để yểm trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.