(HNM) - Ngày 4-10, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 khu vực phía Bắc.
Theo Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Bốn, so với Điều 2 và Điều 4 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 về quyền yêu cầu bồi thường đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn về những đối tượng và từng nhóm đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường.
Điều 7 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định cụ thể căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Bên cạnh đó, luật năm 2017 mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Bộ luật Dân sự năm 2015…
Theo kết quả tổng kết Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, qua 7 năm thực hiện luật, cả nước có hơn 250 trường hợp phải bồi thường, nhưng chỉ một vụ được giải quyết đúng thời hạn, còn lại đều quá thời hạn, thậm chí có những vụ kéo dài nhiều năm. Chính vì vậy, trong luật mới đã quy định rõ thời gian xác minh, thụ lý từ 125 ngày trước đây xuống còn tối đa 71 ngày. Luật quy định rõ, thương lượng thành công sẽ trao quyết định ngay; nếu không thành cũng phải gửi biên bản thương lượng để người bị thiệt hại lấy biên bản này có thể khởi kiện ra tòa giải quyết. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.