(HNM) - Tính đến nay, TP Hà Nội có 45.732 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,66%), trong đó có 39.811 hộ sống ở khu vực nông thôn. Theo đánh giá của Sở LĐ,TB&XH Hà Nội, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn là quá lớn, với 90% số hộ nghèo ở khu vực các huyện.
Theo chuẩn nghèo, cận nghèo của Trung ương thì hộ nghèo khu vực thành thị có thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống; khu vực nông thôn là 400.000 đồng/người/ tháng trở xuống. Riêng Hà Nội, chuẩn nghèo là 750.000 đồng/người/tháng trở xuống ở thành thị và từ 550.000 đồng/ người/tháng trở xuống ở nông thôn; hộ cận nghèo từ 751.000 đồng đến 1 triệu đồng/ người/tháng ở thành thị và từ 551.000 đồng đến 750.000 đồng/người/tháng ở nông thôn. Nếu tính theo chuẩn nghèo của Trung ương thì thành phố có 17.373 hộ nghèo nhưng xét theo chuẩn riêng của Hà Nội thì có tới 45.732 hộ nghèo, trong đó khu vực thành thị có 5.851 hộ nhưng khu vực nông thôn lên tới 39.811 hộ. Ngoài ra, toàn thành phố cũng có trên 44.000 hộ cận nghèo. Đây là những gia đình có nguy cơ trở thành hộ nghèo vì nhiều nguyên nhân nếu không được hỗ trợ, định hướng kịp thời, các hộ này rất có thể rơi vào diện nghèo.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những biện pháp nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn.Ảnh: Trọng Hải |
Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại các quận, huyện vẫn còn dao động. Có thể năm nay các gia đình thuộc diện hộ nghèo nhưng năm sau sẽ thoát nghèo, hoặc ngược lại có hộ đã thoát nghèo vẫn có thể tái nghèo trở lại. Tính trung bình mỗi năm có khoảng trên 8.000 hộ nghèo mới (trong đó 10% số hộ là tái nghèo). Lãnh đạo Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ,TB&XH Hà Nội) cho biết, hiện có khoảng 8.000-10.000 hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo do gia đình có người bị khuyết tật, người già yếu, không có khả năng tự phục vụ hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động.
Trong giai đoạn 2010-2013, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo như hỗ trợ đi xuất khẩu lao động; đào tạo nghề và tạo việc làm miễn phí; miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người nghèo. Đặc biệt, thành phố có 3 chính sách đặc thù riêng là: Tín dụng ưu đãi, hỗ trợ vay bò sinh sản, trợ cấp cho người già yếu, người mắc bệnh hiểm nghèo. Trong đó, trợ cấp tiền hằng tháng cho nhóm hộ nghèo có người già yếu, ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo bằng mức trợ cấp bảo trợ xã hội là 350.000 đồng/người/tháng (cao hơn mức của Trung ương là 180.000 đồng)… Các kết quả có thể nhìn thấy được tiếp theo là hỗ trợ 188 hộ được xây nhà; hỗ trợ công trình nước sinh hoạt phân tán cho 246 hộ và 21 công trình nước sinh hoạt tập trung. Thành phố cũng chi 900 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ 12.267 lượt trẻ là người dân tộc thiểu số được đi học; 44.843 lượt trẻ em là người dân tộc thiểu số được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập.
Bằng nhiều nỗ lực ưu tiên cho vùng nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội đã giảm từ 7,52% (đầu năm 2011) xuống 2,66% đến hết tháng 12-2013. Con số này sẽ tiếp tục giảm với những nỗ lực phấn đấu ưu tiên cho vùng nông thôn Hà Nội ngay trong năm 2014: Giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực thành thị xuống còn 0,5% đến 0,8% và khu vực nông thôn còn 1,5% đến 1,8%.
Theo Sở LĐ,TB&XH Hà Nội để đạt được tỷ lệ này, cần có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hộ cận nghèo hơn nữa vì khoảng cách từ cận nghèo dẫn đến nghèo là rất gần. Đặc biệt, Chính phủ, UBND thành phố cần xem xét tăng mức hỗ trợ cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, tăng thời gian và mức vốn cho vay hộ nghèo, cận nghèo…
Tại buổi làm việc cuối năm 2013 giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho biết, Hà Nội đặc biệt quan tâm làm sao rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị, nông thôn; giảm nghèo bền vững và thực hiện các chính sách an sinh xã hội một cách công bằng, công khai, không để xảy ra tiêu cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người thụ hưởng. Vì vậy, Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt 13 chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung. Trong đó, hỗ trợ mua sắm nguyên vật liệu, vật tư phục vụ đời sống, sản xuất, cụ thể 150.000-200.000 đồng/người/năm; kết hợp với các hội, đoàn thể và gần 9.000 tổ "Tiết kiệm và vay vốn" ở từng địa bàn khu dân cư, thôn, xóm hướng dẫn các hộ nghèo cách làm ăn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.