Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị

Nguyễn Linh| 16/07/2013 06:21

(HNM) - Thành phố Hà Nội có hơn 81.000 người thuộc 49 dân tộc ít người (DTIN). Cùng với chính sách ưu tiên cho phát triển các địa phương vùng xa, khó khăn, những năm qua thành phố đã dành sự quan tâm đặc biệt cho các xã có đông đồng bào DTIN sinh sống, nhằm cải thiện, nâng cao cuộc sống, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.

Yên Trung (nơi 80% dân số người DTIN) nằm cách xa trung tâm huyện Thạch Thất, là xã nhận được nhiều sự quan tâm của thành phố. Chị Đinh Thị Hương (thôn Lặt) cho rằng, mình may mắn được trải nghiệm những đổi thay to lớn của quê hương. Cách đây 5 năm, khi Yên Trung còn là một xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, việc đưa đón trẻ đi học mẫu giáo chiếm nhiều thời gian của các bà mẹ. Chưa kể, trường học dột nát, trẻ không được hỗ trợ bữa trưa… Đến nay, trường mẫu giáo của xã được xây mới đạt chuẩn quốc gia, giáo viên được bồi dưỡng nâng cao trình độ, trẻ được hỗ trợ bữa trưa theo chính sách của Nhà nước nên các bà mẹ hoàn toàn yên tâm mỗi sáng đưa con đến trường.

Cùng với hệ thống trường học, Yên Trung còn được thành phố đầu tư đồng bộ về đường giao thông, trạm y tế, nhất là hệ thống điện được kéo đến từng hộ gia đình, tạo nên sự thay đổi rõ rệt. Chủ tịch UBND xã Yên Trung Hoàng Phương khẳng định, được thành phố quan tâm đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần, chất lượng chăm sóc y tế, giáo dục cho người dân Yên Trung đã hơn hẳn trước. Số hộ thuộc diện nghèo của xã giờ chỉ còn gần 5%. Người dân được tập huấn kiến thức phát triển kinh tế, nhiều hộ đã và đang tập trung phát triển mô hình chăn nuôi sạch, cung cấp sản phẩm trứng, thịt gà, lợn chất lượng cao cung cấp cho thị trường Thủ đô và các tỉnh lân cận, vươn lên làm giàu.

Không chỉ có xã Yên Trung, tất cả các xã có đông đồng bào DTIN trên địa bàn toàn thành phố đều được đầu tư, hỗ trợ phát triển. Ngoài thực hiện tốt các chương trình 134, 135, chính sách của Chính phủ tạo điều kiện cho bà con được vay vốn ưu đãi để sản xuất, giải quyết việc làm; hỗ trợ học sinh, sinh viên đi học; phát triển thương mại vùng miền núi và đồng bào DTIN, TP Hà Nội đã đầu tư nguồn lực không nhỏ cho các xã có đông đồng bào DTIN. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2008 đến nay, thành phố đã đầu tư cho 3 xã của huyện Lương Sơn hợp nhất về Hà Nội số tiền là hơn 410 tỷ đồng. Hiện 100% xã vùng DTIN đã có trạm y tế, được đầu tư, trang bị cơ sở vật chất trị giá nhiều tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của người dân. 100% hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh miễn phí. Hơn 200 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các xã dân tộc miền núi được hỗ trợ thêm 70% phụ cấp; học sinh dân tộc nghèo được hỗ trợ 70-140 nghìn đồng/tháng...

Đặc biệt, để thu hẹp khoảng cách giữa các xã vùng xa, có đông đồng bào DTIN với khu vực thành thị, UBND TP Hà Nội đã triển khai Kế hoạch số 166/KH-UBND về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi. Trong giai đoạn 2013-2015, thành phố sẽ đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng cho khu vực này nhằm phát triển kinh tế, phấn đấu giảm hộ nghèo bình quân 1,5-1,8%/năm, đến năm 2015 số hộ nghèo còn dưới 8%. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được thành phố đầu tư để đến năm 2015 có 50% số trường đạt chuẩn quốc gia; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% hộ dân có điện sinh hoạt, được dùng nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh... Hiện tại, thành phố đã xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình nhằm cụ thể hóa các mục tiêu này bảo đảm an sinh xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Điều đáng nói, sự quan tâm, chăm lo của thành phố đã tạo động lực để đồng bào DTIN phát huy tính cần cù, sức sáng tạo, truyền thống tương thân tương ái, vượt khó đi lên, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong lao động, học tập, phát triển kinh tế, vì cộng đồng. Điển hình là bà Hoàng Thị Huê, người dân tộc Mường (ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) đã hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng đường làng. Các ông Triệu Quý Truyền (người Dao, xã Ba Vì, huyện Ba Vì); Trần Xuân Thọ (người dân tộc Sán Dìu ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) tích cực hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nhiều người nghèo. Hay ông Luân Xuân Chỉnh (người dân tộc Tày ở xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn) mở xưởng mộc, thu nhập hằng năm đạt 200 triệu đồng...

Phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT phát triển mạnh. Các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, nhiều thôn bản đã được công nhận "Làng văn hóa". Diện mạo vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc miền núi đổi mới từng ngày. Tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng gắn bó, củng cố bền chặt, cùng nỗ lực góp sức dựng xây Thủ đô giàu đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.